Hàng loạt vụ khủng bố ở Đức vào tháng 7 vừa rồi đã khiến nước này phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề trong cả chính sách nhập cư lẫn sự hội nhập của những công dân mới, khi mà sự va đập văn hóa là không thể tránh khỏi với hơn 1 triệu người nhập cư vừa ồ ạt đổ vào quốc gia giàu có bậc nhất châu Âu này.
Như mọi năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel đi nghỉ hè vào tháng 7, nhưng một loạt vụ khủng bố khiến xã hội Đức rung chuyển đã buộc bà phải bỏ dở kỳ nghỉ để quán xuyến tình hình, cũng như đưa ra chương trình 9 điểm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại cuộc họp báo liên bang ngày 28-7.
Nhưng đây có lẽ cũng là lần đầu tiên trong sự nghiệp chèo lái con thuyền chính trị Đức, bà Merkel bị một nhà báo ở đây thẳng thừng đề nghị bà từ chức.
Khó cho người Đức
Bà Merkel, con gái một mục sư Tin Lành, được coi là người đấu tranh kiên định cho những giá trị nhân bản, bất chấp những tác động tiêu cực có thể có với uy tín chính trị của bà.
Điều đó được thể hiện rõ trong chính sách tiếp nhận nạn nhân chiến tranh từ Trung Đông hầu như không giới hạn của bà.
Có thể vì thế mà ngay đối thủ của bà cũng phải vì nể, nhưng chắc chắn cũng vì thế mà Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo của bà đối mặt với việc mất không ít phiếu trong cuộc bầu cử tới.
Để hiểu được tâm thế của người Đức không chỉ trong những ngày này, ta nên hình dung ra một đất nước to và đông người tương tự Việt Nam, nhưng đời sống tín ngưỡng mang dấu ấn của trên 60% dân chúng là tín hữu Cơ Đốc (thống kê năm 2014), tức khoảng 47,2 triệu, chưa kể đến các nhánh khác của giáo hội chính thống, Chứng nhân Jehovah, Baptist... đều gần gũi với nhau về các giá trị sống.
Đồng thời, một xã hội tuyệt đối tôn trọng tự do tín ngưỡng từ sau Thế chiến II cũng khiến số người theo Hồi giáo tăng dần ở Đức, tới nay là chừng 4,3 triệu, đứng thứ hai về số lượng (thống kê năm 2008).
Con số này chắc chắn cao hơn nhiều sau làn sóng tị nạn với hơn 1,1 triệu người, chủ yếu từ Trung Đông, riêng trong năm 2015.
Ở đỉnh điểm, có những ngày lính biên phòng Đức ghi nhận hơn 10.000 người công khai qua biên giới, theo Focus ngày 30-7. Không một quốc gia nào, kể cả nước Đức với tiềm lực kinh tế hùng hậu và sự tổ chức xã hội tuyệt vời, có thể kham nổi thách thức lớn như thế.
Phản ứng mạnh mẽ nhất, như không thể khác, đến từ người dân: “Con thuyền đã đầy rồi, không thể chở thêm được nữa!”. Có thể hiểu lời ta thán ấy về phương diện vật lý, vì 1,1 triệu thành viên mới trong xã hội (và ngày càng nhiều hơn) là chừng ấy miệng ăn đột ngột phát sinh, họ không chỉ cần lương thực mà còn phải có nhà ở, nhà trẻ, công việc và lớp học ngôn ngữ.
Sumte là một làng nhỏ thuộc bang Niedersachsen, nếu giữ tốc độ cho phép khi qua khu dân cư là 50 km/h thì sau 50 giây ôtô đã đi qua địa phận làng.
Sumte có 102 dân, một trạm cứu hỏa và một bến xe buýt mỗi ngày ba, bốn chuyến - nếu đường không đóng băng, không có nhà hàng hay trạm xăng nào, siêu thị gần nhất thì ở làng bên cách đó bốn cây số.
Cuối năm 2015, đột nhiên hàng loạt phóng viên, cả quốc tế, đổ về khi có tin 1.000 người tị nạn được đưa về đây. Sau khi dân làng phản đối dữ dội, Bộ Nội vụ Đức buộc phải giảm số người, nhưng dù sao thì hiện Sumte vẫn là nơi trú ngụ của 706 người tị nạn từ 27 nước, trong đó có 200 trẻ em. Ngay đến hệ thống nước thải cũng quá tải.
Nhưng quả bom nổ chậm nguy hiểm hơn là tâm lý xã hội. Người Syria, Libya và Iraq, ba nguồn chính tạo nên dòng người tị nạn, số đông theo đạo Hồi hoặc ít nhất cũng được giáo dục trong tinh thần ấy.
Họ mang đến Đức những quan điểm “lạ” về bình đẳng giới, ý thức lao động hay đơn giản là bị bọn đưa người cho ăn bánh vẽ. Hình ảnh 20 người tị nạn ở St. Kanzian tuyệt thực đòi được phát 2.000 euro/tháng và hộ chiếu Đức khó thể khiến họ nhận được cảm tình của người Đức sở tại, vốn cũng không phải ông hoàng bà chúa gì.Những xung đột văn hóa, không phải lúc nào cũng mang màu sắc tôn giáo, cứ thế lớn dần.
Khó cho cả “khách nhân”
Tôi gợi chuyện nhiều đồng hương Việt Nam ở Đức, hầu như không ai tỏ ra thông cảm với người tị nạn Trung Đông. Phải chăng chiến tranh ở Việt Nam đã ngưng quá lâu và họ đã quên một thời máu lửa? Nhưng tâm lý đó cũng là dễ hiểu.
Người Việt ở Đức đã trải qua muôn vàn khó khăn trước và sau khi nước Đức thống nhất để có đất sống, nay họ cũng khó chấp nhận việc mở cửa ồ ạt này.
Khác với bản tính trầm lặng, thậm chí nhút nhát và dĩ hòa vi quý của người Việt, người Ả Rập đi đâu là túm năm tụm ba, ăn to nói lớn và điệu bộ ít khiêm nhường.
Chế độ bao cấp khá “xông xênh” cho những người không có vẻ gì nghèo khổ (xét qua trang phục và điện thoại di động đời mới nhất) ắt hẳn làm người Việt có chút ghen tị vì bản thân họ bị săm soi rất kỹ khi xin trợ cấp thất nghiệp, liên tục bị Sở Lao động triệu tập và bố trí việc làm mới để giải tỏa gánh nặng cho xã hội.
Đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Sở Lao động Đức siết chặt điều kiện trợ cấp và bắt ngoại kiều kém khả năng ngôn ngữ phải đi học tiếng Đức (miễn phí) để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường lao động.
Nghĩa cử nhân đạo này vấp phải phản ứng của nhiều người Việt định cư từ lâu do họ đã quen với vốn từ hạn hẹp “đủ dùng”, ngại đi học mất công mất buổi. Nhưng nếu không đi học sẽ bị cắt trợ cấp! Câu hỏi đơn giản mà không phải vô lý: “Tại sao người Syria không bị ép đi học?”.
Chủ đề này là một câu chuyện dài, xin quay lại ở một dịp khác. Ở đây chỉ muốn nêu bật hình ảnh toàn bộ cộng đồng nhập cư nói chung khá ảm đạm trong mắt người Đức.
Ai mới lần đầu tiếp xúc cũng có ấn tượng là người Đức giữ kẽ đến lạnh nhạt, khác hẳn với nhiều dân tộc “Tây xởi lởi” khác. Thật ra, người Đức rất ngại làm phiền xung quanh và cũng không muốn ai làm phiền mình.
Cuộc sống vật chất đầy đủ khiến họ sẵn sàng mua một máy khoan bêtông để khỏi gõ cửa đi mượn bên hàng xóm, cho dù cả đời người trung bình không khoan quá 4 lỗ vào tường.
Ở đất này, nghĩa vụ và vai trò cá nhân được đề cao chứ không “khiêm tốn” nấp sau tập thể.
Công cuộc nhập gia tùy tục ở Đức nhìn chung khá gian nan, ở cả hai phía, thật khó để người Đức, đã dày công xây dựng nên một xã hội được tổ chức tốt như thế, chấp nhận một hệ giá trị đi lệch với truyền thống của họ.
Do thiếu tinh thần tìm hiểu và nhiều khi vì rào cản ngôn ngữ, người nhập cư thường vấp phải những trở ngại như tính nguyên tắc, tinh thần trách nhiệm hoặc tính chăm chỉ của người Đức. Sẽ không có gì đáng lo trong không khí thái bình, nhưng ở thời náo loạn như sau các vụ khủng bố và xích mích thì mọi thứ như “bé bị xé ra to” và chẳng hiếm khi làm mồi lửa cho xung đột, theo đúng nghĩa đen của khái niệm này.
Trong khi cả năm 2011 chỉ có 18 vụ tấn công ngoại kiều và đốt nhà người tị nạn, thì năm 2014 có 199 vụ và nửa đầu năm 2016 đã là 1.031 vụ (nguồn: Cục Hình sự liên bang).
Thật khó để cả quyết là con số đáng buồn đó không liên quan đến số người nhập cư ngày càng đông. Ở Đức cách đây mười năm, không ai hình dung ra một đảng dân túy cực hữu và kỳ thị ngoại kiều như AfD lại có thể nổi lên mạnh mẽ như thế.
Vậy mà cuộc thăm dò ý kiến của báo Bild am Sonntag ngày 30-7 cho thấy AfD có khả năng lọt vào quốc hội với 12% số phiếu, nếu giả sử hôm nay tổ chức bầu cử.
Sự trầm tĩnh anh hùng
Nhưng không như ở Anh, nơi 52% dân số đã nói không với người nhập cư qua cuộc trưng cầu ý dân Brexit, 12% cử tri ủng hộ AfD cho thấy người Đức vẫn còn nỗ lực giữ các giá trị của mình.
Thử hỏi người Đức xem họ sẽ phản ứng ra sao với khủng bố, nhiều người hẳn đồng ý với sử gia Herfried Münkler rằng thái độ tốt nhất là heroische Gelassenheit: sự trầm tĩnh anh hùng.
Hãy để các nước khác tuyên chiến với khủng bố và tuyên bố tình trạng khẩn cấp thường trực, lịch sử đen tối của nước Đức đã dạy cho họ nhiều điều về việc không phản ứng thái quá ra sao.
Nhưng ngay cả sự trầm tĩnh đó cũng đã có lúc lung lay sau những vụ khủng bố vừa rồi.
Một cơn hoảng loạn ngắn đã bao phủ Munich vài giờ sau vụ tấn công hôm 22-7 khiến 10 người thiệt mạng, khi có tin đồn trên mạng xã hội rằng ba kẻ tấn công vẫn chưa bị bắt, thay vì chỉ một.
Khoảng 2.300 cảnh sát Munich đã ngập trong 4.300 cuộc gọi khẩn cấp lúc đó, hầu hết là “thần hồn nát thần tính”.
Tuy nhiên, sự trầm tĩnh nhanh chóng được tái lập. Với hashtag #OffeneTuer (Cửa mở), người dân Munich tham gia một chiến dịch mời bất cứ ai bị mắc kẹt trong buổi tối xảy ra vụ tấn công vào nhà họ ngủ nhờ.
Người phát ngôn cảnh sát thành phố Marcus da Gloria Martins lên truyền hình nói với cư dân mạng: “Hãy cho chúng tôi cơ hội thông báo những sự thật. Đừng lan truyền tin đồn, đừng sao chép và chia sẻ trên mạng”.
Đó là câu nói được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội ở Đức tối hôm đó. Ngay cả các chính trị gia cũng nghe theo lời khuyên đó, kiềm chế việc tận dụng vụ giết chóc để thủ lợi chính trị. Sự thật nhanh chóng được làm rõ: hung thủ 18 tuổi David Ali Sonboly bị bắt nạt ở trường, đã chuẩn bị cả năm trời cho vụ tấn công, đã đọc “Tại sao trẻ con giết người?” của Peter Langman - chuyên gia Mỹ về xả súng trường học, là người hâm mộ Anders Breivik và chẳng liên quan gì tới Hồi giáo.
Với sự dẫn dắt đó từ nhà chức trách, thảo luận của công chúng về những kẻ tấn công khác cũng cho thấy sự chín chắn và “trầm tĩnh anh hùng”.
Báo chí Đức nhanh chóng nhìn nhận cả ba đều là dân tị nạn từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Hai người hành động nhân danh IS và cả ba đều có vấn đề tâm thần. Rất ít người làm ầm ĩ mọi chuyện, dù là than khóc cho nạn nhân hay lên án kẻ thủ ác.
Sau vụ Munich, André Poggenburg, một lãnh đạo AfD, tìm cách chỉ trích chính sách mở cửa với người nhập cư của bà Merkel, trước khi danh tính của tay súng được xác định.
“Sự thông cảm của chúng ta đã bị tổn thương và tước đoạt, thật đáng ghê tởm những kẻ ủng hộ Merkel và những kẻ ngốc bên cánh tả vốn phải chịu trách nhiệm (cho vụ việc!)” - Poggenburg viết trên Twitter.
Ông này ngay lập tức nhận hàng loạt chỉ trích từ cả cộng đồng mạng lẫn truyền thông chính thống, rồi sau đó là sự chế giễu khi tin tức xác nhận kẻ tấn công là người Đức.
Đức có một dạng họp báo liên bang rất đặc biệt do Hội Nhà báo Berlin tổ chức từ năm 1949: không phải chính phủ mời nhà báo, mà nhà báo mời đại diện chính quyền, đảng phái, hiệp hội, cá nhân đến để chất vấn về tình hình trong và ngoài nước.
Nhờ tương quan này mà cả các nhà báo có tiếng là “gai góc” cũng được chủ động lên tiếng, chứ không cần đợi được chỉ định như ở các cuộc họp báo do chính phủ đạo diễn. Dĩ nhiên vì thế mà nhiều chính khách ngại có mặt ở đây.
Thủ tướng thường chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vì có họp báo riêng ở phủ thủ tướng, bù lại mỗi tuần người phát ngôn chính phủ bắt buộc phải có mặt ba lần ở cuộc họp báo này.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment