3/13/16

9:36 PM - 3/13/16

Người Đức mở lòng đón những nạn nhân nô lệ của IS


Nhìn từ bên ngoài, trại tị nạn trông chẳng khác gì một nhà dưỡng lão bị bỏ hoang nhưng khi vào bên trong, người ta thấy nó giống một sân chơi hơn.

Theo Guardian, một đám trẻ vai đeo những chiếc ba lô mới tinh đang xếp hàng chờ được dẫn đến lớp học bơi. Sau lưng là bức tường trang trí đầy những bức tranh do chúng tự vẽ. Ngoài hành lang, bọn trẻ đang thi đá bóng và nhảy dây, còn các bà mẹ tay ôm con đang ngồi túm tụm với nhau buôn điện thoại.
Trại tị nạn nằm ở một ngôi làng yên tĩnh, cách thành phố Stuttgart vài trăm km. Nó là một trong số mấy chục trại tị nạn được xây dựng khắp bang Baden-Württemberg của Đức từ mùa xuân năm ngoái, trong khuôn khổ một dự án đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ phần nào khoảng 2.500 phụ nữ và trẻ em vừa thoát khỏi kiếp nô lệ trong tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
An ninh trong trại rất nghiêm ngặt. Chỉ khi nghe thấy tiếng một câu bé nói rất to bằng tiếng Kurd với một cậu bé khác đang tập đi xe đạp ở bãi đỗ xe trống, người ta mới biết có người trong đó.
"Phụ nữ và trẻ em ở đây từng bị IS bắt làm nô lệ. Họ là nạn nhân và nhân chứng của tội ác chiến tranh, vì vậy chúng tôi phải bảo vệ họ một cách bí mật và nghiêm ngặt", tiến sĩ Michael Blume, chủ nhiệm chương trình, nói.
Bang Baden-Württemberg bắt đầu tiếp nhận phụ nữ và trẻ em từ tháng 3/2015. Đây không chỉ là một trong những bang giàu nhất nước Đức mà còn là nơi cư trú của một lượng lớn người Yazidi, nhóm dân tộc thiểu số đến từ miền bắc Iraq.
Năm ngoái, quốc hội liên bang Đức đã đồng ý cấp giấy phép cư trú cho 1.100 người vì lý do nhân đạo và mở văn phòng với ngân sách là 106 triệu USD để lo chỗ ở cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của IS.
Từ sáng ngày 3/8/2014, phiến quân IS đã tiến hành các cuộc tấn công thảm sát vào các khu vực quanh thành phố cổ Sinjar, Iraq, sát hại hàng nghìn người và khiến gần 300.000 người phải tháo chạy. Liên Hợp Quốc gọi đây là hành động diệt chủng đối với tộc người thiểu số Yazidi. Theo các nhà hoạt động, hơn 6.000 phụ nữ và trẻ em đã bị phiến quân IS bắt cóc làm nô lệ tình dục và bị ngược đãi nghiêm trọng.
Noor Murad, 25 tuổi, là một trong số tù nhân của IS. Cô và con trai hai tuổi bị bắt đi khỏi Sinjar khi chồng cô đang làm việc ở Duhok, và bị IS giam giữ suốt 10 tháng. Sau nhiều tháng đàm phán, cô được thả và đến Đức vào tháng 11.
"Thật may mắn khi tôi đến được đây. Tôi đang lo lắng cho 5 người em vẫn đang mất tích", cô nói.
Ở Đức, Murad được điều trị chuyên sâu cả về thể chất lẫn tinh thần. Trước đó cô đã được Jan Kizilhan, bác sĩ tâm lý chính của chương trình, khám và đánh giá tình trạng sức khỏe. Sau khi phỏng vấn hơn 1.200 người bị IS bắt giữ, ông cho rằng thử thách của ông lúc này là xây dựng một chương trình có thể áp dụng ở nhiều nơi bằng ngôn ngữ khác nhằm trợ giúp nạn nhân của các hành động diệt chủng.

Người Yazidi tháo chạy khỏi vùng đất bị IS chiếm đóng. Ảnh: Reuters
Blume giải thích rằng tâm lý trị liệu còn khá xa lạ với hầu hết phụ nữ và trẻ em trong trại tị nạn.
"Họ chưa từng trải qua một chương trình trị liệu nào như thế, nên chúng tôi phải bắt đầu từ từ để họ cảm thấy yên tâm và an toàn", ông nói.
Chương trình trị liệu chuyên sâu bắt đầu ngay khi họ bước chân lên chiếc máy bay cất cánh từ Irbil được thuê riêng để phục vụ chương trình. Họ được học tiếng Đức miễn phí. Riêng trẻ em dưới 18 tuổi được yêu cầu phải đi học đầy đủ.
Nhiều trẻ em trong thời gian giam giữ bị ép tham gia các khóa truyền bá tư tưởng và huấn luyện cách sử dụng vũ khí. Nhân viên xã hội ở trại tị nạn đảm bảo phụ nữ có thời gian để tham gia chương trình trị liệu mà không phải lo lắng đến việc chăm sóc con cái.
Ngoài ra, họ còn nhận được một khoản tiền nhỏ để chi tiêu, tùy thuộc vào độ tuổi và số con. Được biết, họ rất giỏi trong việc quản lý ngân sách của mình. Họ biết đi chợ mua thức ăn, đi chơi và tìm hiểu về nhu cầu hàng ngày của người dân Đức.
"Khi bị IS giam giữ, tôi chỉ muốn chết. Giờ tôi cảm thấy tự do và thoải mái. Không thể so sánh Iraq với Đức được. Nơi đây rất thanh bình, yên tĩnh, tràn ngập không gian xanh. Nhưng làm sao tôi có thể vui khi không được ở bên gia đình", Murad tâm sự.
Chương trình trị liệu ưu tiên những người có vấn đề sức khỏe nguy kịch như những người mắc bệnh phụ khoa phức tạp, bệnh nguy hiểm đến tính mạng hay vừa tìm cách tự tử. Các bác sĩ tâm lý sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của họ để xem liệu họ có thể hồi phục sau khi được điều trị ở Đức và hòa nhập với cuộc sống ở đó hay không.
"Những người trẻ có nhiều triển vọng hơn những người già vì họ có thể dễ dàng hòa nhập và cảm thấy tự do hơn là ở Iraq", Kizilhan nói.
Thời gian điều trị tâm lý tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Một vài phụ nữ có con vẫn đang bị IS giam giữ và đang cố gắng đàm phán để cứu con ra. Việc này rõ ràng tốn của họ rất nhiều tâm sức.
Những phụ nữ Yazidi đến Đức thường bị tổn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần sau thời gian dài bị IS giam giữ, lạm dụng và ngược đãi. Phần lớn bị rối loạn căng thẳng thần kinh, Kizilhan giải thích. Nhìn chung, dịch vụ chăm sóc cơ bản ở trại giúp họ duy trì sức khỏe về mặt thể chất.
Salma, 17 tuổi, cùng em gái 15 tuổi và người dì đến từ trại Zakho đặt chân đến Đức cách đây 6 tháng. Ở Stuttgart, cô cảm thấy tự do, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác tội lỗi và đau buồn. Cô tham gia khóa trị liệu ngay khi đến.
"Tôi cảm giác mình chẳng là gì cả khi đến đây, nhưng ở đây tôi được đối xử rất tốt", cô nói.
Nếu tham gia chương trình này, gia đình Salma có thể đăng ký tham gia cùng cô trong hai năm tới.
"Ở đây tôi được điều trị, tư vấn và hỗ trợ. Tôi có mọi thứ mình cần".

Nhiều phụ nữ và em gái Yazidi từng là nô lệ tình dục trong tay IS. Ảnh: Reuters
Gia đình Salma vẫn đang tị nạn ở trại Zakho, một trong nhiều trại tị nạn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất ở Duhok, Iraq. Cô quyết tâm đưa họ đến Đức và bày tỏ không muốn quay về Iraq hay bất kỳ một nước Hồi giáo nào nữa.
"Ở đây tôi thấy mình khỏe hơn, và bác sĩ tâm lý cũng nói tôi không cần điều trị thêm nữa. Khi ở Iraq, tôi đã nghĩ rằng cuộc đời mình thế là hết. Ngay cả khi được thả, tôi cũng chẳng còn hy vọng gì nữa. Giờ thì tôi đã có một cuộc sống mới. Tôi được đến trường, được học tiếng Đức. Sau này tôi sẽ còn học thêm nữa".
Ngọc Anh, VNE
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×