(VNF) - Bằng cách bỏ tiền đầu tư vào một số quốc gia nhất định, người ta có thể được nhập tịch hay cư trú ở đó.
Malta
Quốc gia thuộc liên minh châu Âu này cũng tìm cách thu hút các nhà đầu tư bằng việc bán quyền trở thành công dân. Với mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế, Malta đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, trong đó Chương trình Nhà đầu tư cá nhân của Malta (IIP).
Theo chương trình này, tất cả các cá nhân và gia đình đăng ký theo Chương trình Nhà đầu tư cá nhân của Malta phải thực hiện việc đóng góp tài chính không hoàn lại đáng kể cho Quỹ Phát triển xã hội quốc gia.
Thủ tục pháp lý của IIP khá nhanh gọn, chỉ cần người đó phải sống tại Malta tới thời điểm xin nhập tịch trong 12 tháng. Thậm chí, nếu đã đáp ứng được các yêu cầu cư trú của Malta theo tiêu chuẩn IIP, khoảng thời gian được công nhận quốc tịch chỉ trong 6 tháng.
Đương đơn phải cam kết có một nơi cư trú cố định ở Malta trong một khoảng thời gian tối thiểu là 5 năm. Điều này có thể được thực hiện bằng cách mua bất động sản ở Malta với giá trị tối thiểu 350.000 euro và duy trì quyền sở hữu trong 5 năm hay lâu hơn hoặc bằng cách thuê bất động sản trong 5 năm hoặc lâu hơn với mức tiền thuê hàng năm tối thiểu là 16.000 euro.
Trước khi được chấp thuận vào IIP, các đương đơn phải đầu tư ít nhất 150.000 euro và cam kết duy trì đầu tư tối thiểu 5 năm vào các công cụ tài chính được chính phủ phê duyệt (trái phiếu, cổ phiếu…).
Sau khi việc cư trú của người được đề cử ở Malta bắt đầu, phải thực hiện đặt cọc một khoản tiền nhỏ bằng 5.000 euro đối với người đứng đơn chính và 1.000 euro cho mỗi thành viên trong gia đình vào tài khoản của Quỹ Phát triển xã hội quốc gia.
Dominica
Đảo Dominica - không phải Cộng hòa Dominica - là một điểm đến khác ở Caribbean. Hòn đảo chỉ có khoảng 73.000 dân cư này đưa ra cơ chế đầu tư nhập tịch từ năm 1993.
Ứng viên chỉ cần gửi 100.000 USD vào Ngân hàng Quốc gia Dominica. Số tiền này sẽ tăng gấp đôi cho gia đình 4 người. Một số điều kiện khác là phải có tính cách nổi bật và có trình độ tiếng Anh cơ bản. Thời gian chờ đợi ít nhất 8 tuần. Hòn đảo này miễn thị thực nhập cảnh đến 85 quốc gia.
Dominica không giấu giếm mục đích của chương trình này là để huy động vốn đầu tư phát triển quốc gia. Năm 2013, Dominica “huy động” được hơn 500 triệu đô từ chương trình này cho ngân khố.
St. Kitts và Nevis
Đảo quốc nhỏ nhất thế giới ở khu vực Caribbean này là nơi có thể "mua" quyền công dân bằng tiền mặt dễ dàng nhất, hợp pháp 100% và chỉ mất vài tháng.
Không đánh thuế thu nhập cá nhân, cho phép đa quốc tịch và được miễn thị thực nhập cảnh đến gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ là những ưu thế khác của liên bang đảo quốc trên.
Được hình thành năm 1984, cơ chế đầu tư nhập tịch ở đây là chương trình hoạt động lâu năm nhất thế giới. Ứng viên có 2 lựa chọn: đầu tư 250.000 USD vào ngành công nghiệp mía đường hoặc 400.000 USD vào bất động sản. Ai cũng có thể nộp đơn xin nhập tịch ở đảo quốc này, trừ người Iran.
Antigua và Barbuda
Tương tự như Liên bang St. Kitts và Nevis, Antigua và Barbuda, một quốc đảo ở phía đông biển Caribbean, cũng yêu cầu những người nhập cư muốn trở thành công dân của đảo quốc này phải chọn hoặc đầu tư 400.000 USD vào bất động sản hoặc ủng hộ 200.000 USD vào quỹ từ thiện.
Ngoài ra, phí đăng ký là 50.000 USD. Nếu được chấp thuận, tân công dân được miễn thị thực nhập cảnh gần 120 nước, trong đó có Anh, Pháp và Canada.
Grenada
Điểm nổi bật của chương trình đầu tư nhập quốc tịch của Grenada là công dân Grenada có thể xin thị thực EB-2 để hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Quốc đảo Grenada đã ký Hiệp định Thương mại và Hàng hải với Mỹ từ tháng 03/1989. Hiệp định cho phép công dân Grenada xin thị thực đầu tư E-2 để hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Mỹ.
Thị thực E-2 được gia hạn mỗi 02 năm và không giới hạn số lần gia hạn. Sau khi làm việc và định cư lâu dài tại Mỹ, nhà đầu tư E-2 và gia đình có thể xin cấp Thường trú nhân Mỹ.
Quốc gia thuộc vùng biển Caribbean này yêu cầu phải đầu tư ít nhất 311.750 USD vào cổ phiếu của một loạt các công ty trong nước.
Cộng hòa Síp
Chương trình Đầu tư định cư đảo Síp được ban hành vào năm 2013 nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu thường xuyên di chuyển, muốn miễn thủ tục làm visa đi châu Âu cũng như được quyềnthương mại tự do trong khối EU, đầu tư vào đảo Síp.
Cho những nhà đầu tư mong muốn trở thành công dân, đảo Síp cũng có nhiều lựa chọn và hình thức đầu tư từ bất động sản cho đến trái phiếu.
Một lựa chọn phổ biến là mua trái phiếu của công ty đầu tư nhà nước với mức đầu tư tối thiểu 2 triệu euro, cùng với 500.000 euro đóng góp cho quỹ Nghiên cứu và Phát triển công nghệ của chính phủ.
Lựa chọn thứ hai là các nhà đầu tư có thể mua bất động sản tại đảo Síp với trị giá tối thiểu 2,5 triệu euro cộng với 500.000 euro phí thường trú vĩnh viễn, hoặc đầu tư 2.5 triệu euro cho bất động sản cao cấp.
Lựa chọn thứ ba là các nhà đầu tư có thể mua lại hoặc mua cổ phần các công ty được thành lập hoặc được đăng kí kinh doanh ở Síp.
Hình thức đầu tư thứ tư là các nhà đầu tư nước ngoài có thể gửi 5 triệu euro vào ngân hàng ở đảo Síp hoặc thành lập và giữ quyền thu lợi ở một công ty tại Síp có giá trị tương đương trong vòng tối thiểu 3 năm.
Áo
Đây là quốc gia duy nhất ở châu Âu cho phép nhập tịch bằng vốn đầu tư nhưng rất đắt đỏ: 10 triệu USD. Với hộ chiếu Áo, người ta có thể đi lại 25 nước khác tham gia Hiệp ước Schengen, gồm: Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein.
Hungary
Năm 2012, chính quyền Hungary thông qua một luật nhập cư sửa đổi, cho phép công dân ở một quốc gia thứ 3 được trở thành công dân đầu tư cho nước này nếu họ mua ít nhất 250.000 euro (325.000 USD) để mua trái phiếu. Bắt đầu từ đầu năm 2015, công trái định cư tại Hungary đã tăng lên 300.000 euro/người.
Những nhà đầu tư xem đây là một “món hời”, bởi Hungary cũng là một quốc gia thuộc liên minh châu Âu, và theo quy định thì công dân được phép du lịch tự do giữa các quốc gia thuộc liên minh này. Với Hungary, lợi nhuận hàng tỷ USD thu được từ việc bán công phiếu định cư giúp quốc gia này giảm bớt được các khoản nợ nước ngoài.
Hồng Kông
Bắt đầu từ mùa hè 2011, mọi người có thể mua quyền cư trú ở lãnh thổ này với giá 1,3 triệu USD. Ngoài việc được hưởng thuế suất thấp nhất thế giới, dân cư Hồng Kông còn được sử dụng hệ thống chăm sóc y tế rất tốt. Gần 18.000 người đã được cấp quyền cư trú tại đây bằng con đường đầu tư. Để duy trì quyền thường trú, người ta chỉ phải đến đây 3 năm 1 lần.
Singapore
Cũng như Hồng Kông, thuế thu nhập cá nhân ở Singapore thuộc loại thấp nhất châu Á. Tuy nhiên, không dễ trở thành cư dân đảo quốc sư tử. Ứng viên phải có 3 năm kinh nghiệm kinh doanh kèm theo chứng minh lợi nhuận trong quá khứ - lợi tức hằng năm của số vốn 160 triệu USD trong ngành bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan đến xây dựng hoặc hoa lợi của khoảng 40 triệu USD đối với tất cả các ngành công nghiệp khác, kể cả dược phẩm và sản xuất.
Sau đó, họ phải đầu tư gần 2 triệu USD để xin thường trú. Có được quyền thường trú rồi, ứng viên có cơ hội được cấp quyền công dân Singapore 2 năm sau. Với hộ chiếu Singapore, người ta có thể tự do đến hơn 160 nước trên thế giới.
Úc
Chương trình tạm trú đòi hỏi khoản đầu tư 4,7 triệu USD vào trái phiếu chính phủ, dự án cơ sở hạ tầng hoặc công ty tư nhân. Ít là 3 tháng sau, ứng viên có thể được quyền tạm trú và 4 năm sau đó, có thể nộp đơn xin thường trú.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment