5/31/16

12:17 AM - 5/31/16

Thành lập công ty (Startup), kinh doanh tại Đức- những điều sinh viên cần chú ý

Dù là sinh viên đã tốt nghiệp hay còn đang đi học tại một trường Đại học Đức, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể đem ý tưởng, sáng kiến của bản thân ra kinh doanh, hoặc thành lập công ty tại CHLB Đức. Sinh viên nước ngoài khởi nghiệp tại Đức luôn được nhà nước Đức tôn trọng, bảo vệ dựa trên luật pháp Đức và EU. Tùy theo trình độ và bằng cấp của từng cá nhân, sở ngoại kiều cũng như sở lao động Đức sẽ yêu cầu bạn cung cấp những loại giấy tờ khác nhau. Để đơn giản hóa quá trình xin phép thành lập hoặc kinh doanh cho các bạn sinh viên, chúng ta có thể bắt đầu với ba câu hỏi sau đây:


1)Bạn được phép làm gì?

Ở CHLB Đức, nghề nghiệp được chia làm 2 nhóm là: “Reglementierter Beruf và nicht-reglementierter Beruf”. Nôm na, thì “Reglementierter Beruf” là những nghề cần chứng chỉ đặc biệt của nhà nước như bác sĩ, giáo viên… . Đối với những ngành nghề thuộc nhóm “Nicht-reglementierter Beruf” thì việc xin chứng chỉ hành nghề thường sẽ đơn giản hơn.

Tự kinh doanh ở CHLB Đức được chia ra làm 3 dạng:

_ Những người hành nghề tự do – Freiberufler(in): Được quy định tại §18 EStG, bao gồm: bác sĩ, luật sư, phiên dịch viên…. tự do. Trong đó, để hành nghề bác sĩ, luật sư, giáo viên tự do bạn vẫn cần một chứng chỉ đặt biệt của Đức như đã nêu ở trên.

_ Người mở công ty hoặc doanh nghiệp – Gewerbetreibende(r): Được quy định tại §84 Abs.1 HGB ( Handelsgesetzbuch) và không bao gồm những người hành nghề tự do và người làm trong lĩnh vực nông nghiệp ( landwirtschaft).

_ Reisegewerbetreibende(r): Có thể tạm hiểu là những người kinh doanh nhưng không có địa chỉ cố định hoặc thậm chí không đăng kí địa chỉ, được quy định tại §§55 ff. GewO ( Gewerbeordnung) và có nhiều điểm khác biệt so với Gewerbetreibende(r).

Vì thế, sinh viên nên tìm hiểu và xác định ý tưởng kinh doanh của bản thân thuộc vào nhóm nào và bạn sẽ hoạt đông trong nhóm ngành nghề nào để chuẩn bị các giấy tờ và chứng chỉ thật đầy đủ. Ngoài ra, một số điều sau đây bạn cũng nên chú ý:

+ Quy định tại §241a HGB, có hiệu lực từ ngày 01.01.2016, khi thành lập công ty, nếu doanh thu ( Umsatz) của công ty bạn không vượt quá 600.000 Euro và lợi nhuận ( thu nhập đã trừ thuế và chi phí – Jahresüberschuss) không vượt quá 60.000 Euro trong ngày tổng kết sổ sách đầu tiên thì bạn sẽ không bị bắt buộc phải thực hiện kế toán ( Buchführung). Đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp cỡ nhỏ, vì khâu kế toán tại Đức là một trong những quá trình phức tạp đòi hỏi người có chuyên môn.
+ So với, thành lập công ty thì hành nghề tự do đem lại cho bạn nhiều lợi thế hơn về giấy tờ và kê khai sổ sách. Thông thường, bạn chỉ cần phải đăng kí mã số thuế tại Finanzamt là đủ. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin cũng như điều kiện cho người hành nghề tự do tại đây: Anforderungen für Freiberufler/innen.

2)Bạn cần chuẩn bị gì?

a) Aufenthaltstitel: Đối với sinh viên nước ngoài thì giấy phép cư trú ( Residence permit hay Aufenthaltstitel) là một trong những giấy tờ quan trọng nhất. Sau khi kết thúc việc học tại Đức, nếu chưa muốn bắt đầu ngay với công việc kinh doanh, thì bạn có thể đăng kí gia hạn ở lại Đức trong thời gian 18 tháng ( theo mục §16 Abs.4 Aufenthaltsgesetzes – AufenthG) để chuẩn bị cũng như nghiên cứu thị trường, đương nhiên trong khoảng thời gian 18 tháng này bạn được phép xin việc và đi làm như bình thường. Đối với những người có bằng Đại học, người có danh hiệu tiến sĩ, hoặc nhà khoa học từ các quốc gia khác nhưng được công nhận tại Đức sẽ có thời gian 6 tháng ( theo mục §18c Abs.3 Aufenthaltsgesetzes – AufenthG) để tìm việc cũng như chuẩn bị cho công việc kinh doanh.
Sau khoảng thời gian 18 tháng cũng như 6 tháng này, các bạn sẽ phải đăng kí gia hạn một lần nữa, và tùy theo ý tưởng, độ khả thi, cũng như chứng minh được năng lực tài chính và bằng cấp cần có, sở ngoại kiều sẽ cấp cho bạn một giấy phép cư trú mới. Với giấy phép cư trú mới này, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng công ty, hành nghề như bạn đã trình bày với sở ngoại kiều. Thời hạn tối đa của giấy phép cư trú này sẽ là 3 năm, sau thời gian 3 năm này, sở ngoại kiều sẽ xem xét để cấp cho bạn giấy phép cư trú có giá trị vô thời hạn ( Niederlassungserlaubnis). Các bạn có thể tham khảo chi tiết tại mục §21 Abs.1, Abs.4 của AufenthG với địa chỉ : § 21 Selbständige Tätigkeit.

b) Businessplan: Để được sự đồng ý của sở ngoại kiều đối với việc kinh doanh, bạn cần có một bản phác thảo sơ lược chiến lược kinh doanh của bạn. Bản phác thảo này nên cho thấy tại sao ý tưởng của bạn là khả thi? Và bạn làm thế nào để thành công? Đối tượng khách hàng của bạn là ai? Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì? Bạn có đủ nguồn lực, nguồn vốn để xây dựng công ty hay không? ( theo trang web Wir-gründen-in-deutschland.de). Ngoài ra bạn cũng cần các loại giấy tờ khác như: bảo hiểm sức khỏe, passport, địa chỉ nhà….
Bạn có thể lập Businessplan dựa trên mẫu của bộ kinh tế và năng lượng Đức  tại đây: Apps des Bundesministeriums für Wirtschaft und Energie .

3)Nếu được sự chấp thuận của sở ngoại kiều, bước tiếp theo sẽ là gì?

Khi được sở ngoại kiều chấp nhận gia hạn trong 3 năm để bạn xây dựng công việc kinh doanh cũng như bắt đầu với việc hành nghề tự do. Việc đầu tiên bạn cần làm đó là đăng kí kinh doanh với Gewerbeamt trong trường hợp bạn mở công ty, hoặc đăng kí với Finanzamt để lấy mã số thuế nếu bạn hành nghề tự do.
Đăng kí kinh doanh với Gewerbeamt: Bạn có thể tải phần mềm tìm kiếm của bộ kinh tế và năng lượng Đức tại: Apps des Bundesministeriums für Wirtschaft und Energie , bạn chỉ cần chọn “Gewerbeamt” và nhập địa chỉ của bạn, bạn sẽ nhận được tất cả thông tin về Gewerbeamt gần nhất như địa chỉ liên lạc, giờ làm việc… .

Cuối cùng, hội sinh viên xin chúc các bạn thành công trên con đường kinh doanh cũng như xây dựng được ước mơ của bản thân. Các bạn có tham khảo thêm chi tiết tại trang web bộ lao động Đức: http://www.wir-gruenden-in-deutschland.de/informationen/.

Nguồn bài viết: HGB – Das Handelsgesetzbuch, EStG –  Einkommensteuergesetz, GewO – Gewerbeordnung.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuấn Anh – Uni Hamburg
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×