Bạn có muốn tìm một nơi không phải mất học phí, chi phí sinh hoạt thấp mà còn có cơ hội vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập, đặc biệt hơn hết là chất lượng giáo dục đứng hàng đầu châu Âu không?
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam tìm kiếm cơ hội du học. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện ra nước ngoài học tập vì chi phí du học khá đắt đỏ và cũng không phải ở đâu chất lượng giáo dục cũng tốt. Với hệ thống giáo dục ưu việt, nước Đức trở thành sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc.
Du học tại Đức, sinh viên không chỉ không mất học phí mà còn có cơ hội định cư, được chính phủ Đức tạo điều kiện ở lại làm việc lâu dài. Theo kết quả khảo sát trong sự kiện Triển lãm Giáo dục Toàn cầu QS (QS World Grad School Tour) trong khoảng thời gian giữa năm 2008 và 2013 về việc “Quốc gia nào sinh viên muốn lựa chọn nhất cho việc đi du học” thì thật bất ngờ khi Đức đứng ở vị trí thứ tư vượt lên Úc và chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Canada.
Trường Đại học Heidelberg.
Chất lượng giáo dục hàng đầu châu Âu
Đức là nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, cạnh trạnh trực tiếp với các nước nói tiếng Anh (Anh, Mỹ, Úc...). Trong danh sách các trường top 400 và top 700 thế giới, số lượng các trường ở Đức rất lớn, chỉ đứng sau Mỹ và Anh. Tuy phần lớn các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Đức nhưng hiện tại càng ngày càng có nhiều khóa Master (sau Đại học) bằng tiếng Anh tại các trường ở Đức. Đây là một biện pháp để quốc tế hóa nền giáo dục Đức. Đức rất mạnh về mảng Kỹ thuật, tuy nhiên Kinh tế và Tài chính cũng đứng trong top đầu thế giới khi mà nền kinh tế của Đức là đầu tàu khối EU, đứng thứ tư thế giới. Trường Đại học Humboldt chính là hình mẫu của giáo dục đại học hiện đại trên toàn thế giới và có ảnh hưởng rất lớn lên Đại học Harvard.
Tại Đức phần lớn các khóa học Thạc sỹ được miễn phí. Tuy nhiên tại một số trường đại học, học sinh phải trả học phí và các khoản phí này rơi vào khoảng từ 650 euro đến vài ngàn euro cho mỗi học kỳ. Dưới đây là một số học bổng cho chương trình Thạc sỹ tại Đức, giúp các sinh viên quốc tế giảm bớt phần nào chi phí khi đi du học.
Giảng đường đại học.
Các chương trình học bổng hấp dẫn
1. Chương trình học bổng cao học DAAD
DAAD là Cơ quan Trao đổi Hàn Lâm Đức (German Academic Exchange Service DAAD) cấp học bổng cho sinh viên đã tốt nghiệp Đại học đến từ các nước đang phát triển, có nguyện vọng theo học tại các trường ở Đức. Chương trình Học bổng Cao học này có thể là toàn phần hoặc bán phần (tùy vào khóa học mà bạn nộp đơn xin) và là học bổng hàng năm.
Nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia và cán bộ lãnh đạo tại các nước đang phát triển đã có nhiều năm công tác tham gia một khóa học nâng cao chuyên môn trong thời gian một năm đến hai năm tại một trường đại học tại Đức, DAAD đã chọn ra nhiều Khóa học phù hợp cho các nước đang phát triển.
a. Các đối tượng phù hợp với chương trình
- Các chuyên gia và cán bộ lãnh đạo đã có bằng Đại học và nhiều năm công tác.
- Các ứng cử viên có thể là các chuyên gia hoặc cán bộ các Bộ, Ban ngành, Sở, Cơ quan Nhà nước, Phòng Công nghiệp/Phòng Thương mại, các Công ty, Xí nghiệp và của các Chương trình Phát triển Quốc tế tại Việt Nam.
Các ứng cử viên không quá 36 tuổi đều có thể nộp đơn. Để tham gia khóa học Cao học, ứng cử viên phải có bằng Cử nhân/Kỹ sư và đã công tác tối thiểu 02 năm trong một lãnh vực liên quan đến khóa học. Các ứng cử viên có giấy xác nhận của cơ quan đang công tác về việc ủng hộ/đồng ý cho đi học và sẵn sàng tiếp nhận lại khi quay trở về sẽ được ưu tiên xét hồ sơ.
b. Kiến thức ngoại ngữ
Các khóa học bằng tiếng Đức yêu cầu trình độ DSH-2 hay TestDaF4 trước khi nhập học. Các ứng cử viên chưa đủ trình độ tiếng Đức nói trên, có thể được cấp thêm một học bổng 06 tháng để học tiếng Đức cấp tốc.
Các khóa học bằng tiếng Anh thường yêu cầu trình độ TOEFL (550 điểm)/IELTS (6.0) hay tương đương khi nộp đơn. Các ứng cử viên này sẽ được cấp thêm một Học bổng 02 tháng để học tiếng Đức cấp tốc.
c. Mức Học bổng
Mức học bổng trong chương trình này tương đương với các học bổng khác của DAAD: các khóa học Cao học là 750 euro hàng tháng, các khóa Đào tạo Tiến sỹ là 1.000 euro hàng tháng, chưa kể các phụ cấp hay trợ cấp khác.
Đại học Freiburg.
2. Học bổng của các tổ chức ở Đức
Nhiều tổ chức tại Đức cấp học bổng cho học sinh quốc tế (trong đó có Việt Nam). Ví dụ như học bổng Heinrich Böll Foundation dành cho tất cả các sinh viên quốc tế, áp dụng cho các ngành học.
Học bổng mỗi năm mang lại cơ hội cho khoảng 1000 sinh viên đại học, sau đại học ở tất cả các ngành và quốc tịch mỗi năm, những người đang theo đuổi mơ ước tại các trường Đại học, Đại học Ứng dụng, Học viện Nghệ thuật tại Đức.
Học bổng bao gồm các khoản trợ cấp như sau: 750 euro mỗi tháng dành cho sinh viên theo học Thạc sỹ và 1000 euro mỗi tháng cho sinh viên theo học Tiến sỹ.
3. Học bổng Erasmus Mundus dành cho các chương trình học tại Đức
Đây là học bổng mà khối liên minh châu Âu sáng lập ra dành cho các sinh viên theo học chương trình sau đại học (Thạc sỹ, Tiến Sỹ) đến từ các quốc gia đang phát triển ngoài châu Âu như Việt Nam.
Chương trình học bổng này sẽ hỗ trợ các chi phí như sinh hoạt phí, học phí, phí bảo hiểm... Hàng năm có khoảng 1000 hồ sơ được cấp học bổng Erasmus Mundus và có 1000 sinh viên nhận được học bổng Erasmus Mundus mỗi năm bắt đầu từ năm 2009 đến nay.
Trường Đại học Humboldt.
Miễn phí học phí, chi phí ăn, ở thấp nhất Châu Âu
Giáo dục ở Đức được chính phủ hỗ trợ tối đa học phí cho sinh viên ở hầu hết các trường. Hiện nay có 04 bang (Baden-Württemberg, Bayern, Hamburg, và Lower Saxony) trong tổng số 16 bang của Đức thực hiện việc thu học phí từ học kỳ 01, nhưng chỉ ở mức vừa phải: 500 euro/học kỳ (27 triệu đồng). Ở Anh mức học phí hiện nay đã tăng lên 9.000 bảng/năm (306 triệu đồng). Còn lại 12 bang không thu học phí. Sinh viên nước ngoài sang du học ở Đức chỉ phải trả chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất châu Âu (trung bình: 4.800 đến 5.400 euro/năm).
Trong khi ở Singapore cấm sinh viên đi làm thêm hoặc ở Mỹ chỉ cho phép sinh viên đi làm các công việc trong nội bộ của nhà trường, thì ở Đức cho phép sinh viên đi làm ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, miễn là không ảnh hưởng tới việc học tập ở nhà trường, sinh viên có thể làm thêm 120 ngày trong một năm. Với mức lương bình quân là 07 euro/giờ, sinh viên có thể kiếm thêm khoảng 5.040 euro/năm (= 90 ngày x 8h/ngày x 7 euro/h), có nghĩa với mức thu nhập này sinh viên đã có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Tại Đức việc làm thêm tương đối dễ kiếm chính vì vậy nhiều bạn du học tại Đức hầu hết có thể tự nuôi sống bản thân mình mà không cần phải xin tiền thêm từ gia đình.
Thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc.
Chi phí cho phòng trọ sẽ chiếm phần lớn trong sinh hoạt phí của du học sinh, cũng tùy theo từng khu vực, thành phố mà giá cả sẽ có sự chênh lệch nhất định. Top các thành phố đắt đỏ là thủ đô Berlin, München, Mannheim, Hamburg, Frankfurt... trong khi các thành phố có giá thuê rẻ hơn là Aachen, Kiel, Emden... thì các bạn phải chi tầm 175 – 240 euro (4,5 triệu - 6 triệu VNĐ) tiền thuê nhà một tháng.
Như vậy, giá cả thuê phòng có thể chênh lệch từ 170 – 350 euro/tháng (4,5 triệu - 9 triệu VNĐ), phòng trong ký túc xá trung bình 200 euro/tháng (5 triệu VNĐ), phòng trong một căn hộ, chia sẻ với bạn khác tầm 240 euro/tháng (6 triệu VNĐ).
Chi phí sinh hoạt ở Đức tuy khá rẻ nhưng thường các bạn du học sinh sang đây đều chọn cách tự nấu nướng cho đỡ chi phí. Đồ ăn ở Đức cũng khá dễ ăn và hệ thống siêu thị rất đa dạng, phong phú giúp cho sinh viên Việt Nam đỡ phần nào việc nấu nướng.
Một phòng trong kí túc xá ở khu Harburg.
Chi phí cho việc ăn uống nếu bạn ở các thành phố khác nhau cũng không chênh lệch nhiều, khoảng 160 euro/tháng (4 triệu VNĐ) nếu bạn tự nấu ăn. Sau đây là một số giá thực phẩm cho các bạn tham khảo nhé:
- 1 ổ bánh mỳ: 1,5 – 3 euro (39 nghìn - 78 nghìn VNĐ)
- 1kg táo: 2 euro (52 nghìn VNĐ)
- 1kg khoai tây: 1 euro (26 nghìn VNĐ)
- 1lít sữa: 0,50 - 1 euro (13 nghìn - 26 nghìn VNĐ)
- 1 chai nước tinh khiết (0,75lit): 0,30 euro (7 nghìn VNĐ)
- 1 cốc cà phê tại quán: 2,5 euro (65 nghìn VNĐ)
- 1 cốc bia tại quán (0,3lit) 2 - 3 euro (52 nghìn - 78 nghìn VNĐ)
Chợ Münster.
Cuộc sống của sinh viên Việt ở Đức
Cũng như phần lớn các sinh viên đang học tập ở nước ngoài, các du học sinh tại Đức cũng phải đi làm thêm ngoài giờ học để trang trải các khoản sinh hoạt phí cá nhân, đồng thời tăng cường vốn ngoại ngữ và có những trải nghiệm thú vị nơi xứ người.
Lâm (sinh viên ĐH Bonn) lại đang có một công việc rất đặc biệt: “Mình đang dạy tiếng Việt cho một cậu bé gốc Việt, bố mẹ bé đều là người Việt và rất muốn con mình có thể nói sõi tiếng mẹ đẻ. Việc dạy học cho bé không quá khó, nhưng mình phải có một sự kiên nhẫn cực kì, vì học tiếng Việt đối với bé, cũng như mình học tiếng Đức vậy, đều là học ngoại ngữ. Thời gian đầu mình chỉ muốn từ bỏ, nhưng dần dần, mình cũng quen với công việc hơn, mình cũng cảm thấy quý bé và cô chú chủ hơn. Bây giờ đó đã trở thành một ngôi nhà khác của mình ở Đức, như là có một bố mẹ và một cậu em trai khác vậy.”
Công việc làm thêm tại Đức không có quá nhiều áp lực, có lẽ bởi vì phong cách làm việc của người dân tại đất nước này. Họ có những quy tắc bắt buộc phải tuân theo, nhưng lại không quá gò bó, người dân ở đây lại thân thiện và rất có tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Trường Sơn (Đại học Munich) nhận xét: “Đi làm mang lại cho mình một vốn hiểu biết kha khá, trang bị cho mình những kinh nghiệm khá thú vị, như thuế thu nhập, cách thích nghi trong những môi trường làm việc khác nhau, học được tác phong làm việc của họ, trách nhiệm với những việc mình làm. Chỗ mình làm thường mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm rất rõ ràng, ngoài ra cũng trang bị được một chút hiểu biết về cách bố trí và hoạt động của các doanh nghiệp bên này, khá mới lạ và thú vị.”
Việc đi làm thêm của các sinh viên Việt Nam, bên cạnh kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống du học vốn đã đắt đỏ, còn là cơ hội giúp các bạn tự lập, học hỏi thêm kiến thức trong công việc và cuộc sống.
Thành phố cảng Hamburg xinh đẹp.
Nguyễn Tuấn Anh, người đã có gần 06 năm sống và học tập tại Đại học Leibniz Hannover tâm sự: “Nước Đức đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm đẹp. Đó không chỉ là những lần dạo chơi trên những con đường lá vàng tuyệt đẹp, không chỉ là kỷ niệm về vị giáo sư già tận tụy với trò trong những mùa thi cử, không chỉ là nụ cười thân thiện của những người xa lạ tôi gặp trên đường... Nước Đức đã cho tôi tri thức, cho tôi công nghệ, cho tôi cách nghĩ, cách tư duy, cả cách sống và cách làm việc nữa. Theo tôi, nước Đức có rất nhiều điều để các bạn trẻ Việt Nam ngày nay có thể học tập, đó là trách nhiệm và nhận thức. Nếu trình độ nhận thức được nâng lên, họ sẽ hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai, là tốt hay là xấu và có thế thì một xã hội mới tiến bộ được. Tôi vẫn mong một ngày nào đó có thể quay trở lại nước Đức, để đi những chuyến tàu điện đến trường, để ngồi vào những giảng đường của một thời sinh viên, để lại một lần được nghe giảng say sưa... Nước Đức đã trở thành một phần máu thịt của tôi.”
Với một môi trường tốt, điều kiện học tập và làm việc lý tưởng, du học Đức không còn là ước mơ nữa mà nó đã trở thành miền đất với nhiều hứa hẹn cho tương lai. Bạn có thể? Tại sao không?
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment