Cơ quan Lao động của Đức ước tính, ít nhất 30.000 người tị nạn đã tìm được việc làm kể từ mùa Xuân năm 2015.
Chính phủ Đức đang nỗ lực để giúp ngày càng nhiều người tị nạn gia nhập lực lượng lao động.
Theo ông Frank-Jürgen Weise, Giám đốc Cơ quan Lao động nước này, hàng chục ngàn người tị nạn đã tham gia lực lượng lao động, mặc dù còn nhiều thách thức. "Người tị nạn chủ yếu xin việc ở các công ty đang thiếu các ứng viên phù hợp", ông Weise cho biết.
Hiện một phần tư số người tị nạn đã xin được việc và ký hợp đồng tạm thời.
Ông Weise cho rằng, việc nhiều người tị nạn tìm được công việc ở Đức là điều đáng khen ngợi. "Chúng tôi hiện có khoảng 130.000 người tị nạn thất nghiệp và hưởng trợ cấp", ông cho biết thêm.
Tuần trước, ngày 7/7, Quốc hội Đức thông qua Luật hội nhập sửa đổi, trong đó có gói giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người tị nạn tiếp cận với thị trường lao động dễ dàng. Tuy nhiên, Luật này cũng gia tăng các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như hạn chế trợ cấp tiền mặt cho những người nhập cư mới hay những người không có những tiến bộ trong việc hòa nhập vào xã hội Đức.
Một điểm đáng chú ý khác trong Luật hội nhập mới là yêu cầu cao về tiếng Đức đối với người tị nạn. Luật mới tăng thời hạn xét tiếp nhận và cấp giấy cư trú lên 5 năm thay vì 3 năm như trước đây. Thêm vào đó, người được chấp nhận tị nạn phải có trình độ tiếng Đức A2 mới được cấp thẻ cư trú. Sau 3 năm, người được nhận giấy phép cư trú dài hạn phải có trình độ tiếng Đức C1 và có đủ thu nhập trang trải cuộc sống.
Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Bielefeld cho thấy, gần 43% công chúng Đức nghĩ rằng "tăng sự đa dạng" của xã hội Đức là một điều tốt. Tỷ lệ này đã giảm so với hai năm trước đây, khi 47% người được hỏi ủng hộ một xã hội Đức đa dạng hơn.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment