Đến giờ này đã là năm thứ sáu tôi sống ở nước Đức xa xôi nhưng tôi vẫn nhớ những cảm giác những ngày ngày đầu sang đây du học.
Khi mới ra khỏi sân bay Berlin-Tegel, ngồi trong xe ô tô, ngắm đường cao tốc và đường phố Berlin, cảm giác mới lạ thật tuyệt vời làm tôi háo hức và biết bao ước mơ lại càng hiện rõ trong tôi. Lúc đó tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được đặt chân lên nước Đức như bao người thầm khát khao, ao ước.
Hôm tôi đi, bà nội tôi có dặn: "Sang đó cháu sẽ khổ lắm đấy. Cháu cố gắng chịu đựng nhé". Lúc đó tôi cười và thầm nghĩ: "Có gì mà khổ, mà khổ mấy cũng chịu được". Khi đang làm hồ sơ du học, lúc nào tôi cũng nghĩ về một đất nước văn minh, về cảnh tôi được người thân đưa đi thăm quan đây đó những ngày đầu. Một mình dạo bước trên những con đường thơ mộng trải đầy lá vàng vào mùa thu, những con đường sạch đẹp, những khu phố văn minh hàng đầu thế giới. Tôi tưởng tượng ra những cảnh thơ mộng y trong phim.
Nhưng ôi thôi, rồi có đâu như tôi tưởng tượng. Tất cả tự mình làm, tự mình hiểu, tự mình khám phá và tự mình mình biết. Chẳng ai có thời gian để mà đi chơi, ai cũng cắm đầu vào công việc, suốt ngày chỉ làm và làm.
Tàu cao tốc đi nhanh, tàu điện đi lại dễ dàng hoặc không thì toàn đi bằng ôtô, quá thuận tiện so với ở Việt Nam. Nhưng cũng chỉ vì thuận tiện quá mà người ở xa cũng có thể đi học tận Berlin. Cũng chính vì tiện thế mà tôi đã phải thức dậy lúc 5 giờ sáng hằng ngày đi học. Liệu ở Việt Nam đã ai phải thức dậy sớm thế đi học chưa?
Nhiều ôm cả toa tàu giữa mùa đông tuyết trắng chỉ có một mình tôi, đi hai đến ba tiếng mới tới trường. Tôi chỉ ước ao gặp được một người Việt để nghe tiếng Việt, để tôi thấy ấm lòng. Tôi cứ ngồi nghĩ về nơi xa xôi. Tôi nghĩ về bạn bè tôi, tôi nghĩ về gia đình tôi, tôi nghĩ về mọi người, tôi nghĩ về Việt Nam. Càng nghĩ tôi càng mong một ngày về thăm quê, một ngày quay trở lại nơi tôi đã ra đi. Có lần tôi đã muốn khóc.
Một hai năm đầu, ngày nào cũng như ngày nào, sáng dậy sớm làm bánh mì mang đến trường ăn. Nhiều hôm sau giờ nghỉ giữa trưa, tôi lủi thủi một mình tìm một chỗ nào đó ăn bánh mì. Nhiều khi nuốt miếng bánh mì mà nghẹn cả cổ. Tôi thấy mình thật đáng thương. Ở Việt Nam thì bạn bè ới một câu là có, tan giờ là túm năm tụm ba. Ấy vậy mà bên này lúc nào cũng một mình. Ai biết việc người ấy. Hết giờ là chỉ có về phòng riêng, nhà riêng của mình, không ai chung đụng cái gì.
Có hôm đi làm thêm về khuya, hết tàu tôi phải đợi đến sáng ở nhà ga. Liệu có ai thấu hiểu cảnh một mình bơ vơ nơi xứ người đêm khuya vắng? Có ai hiểu tâm trạng của một người phải ngồi một mình qua đêm ở nhà ga. Đêm khuya lạnh một mình, may thay tôi có điện thoại và thẻ để gọi về Việt Nam, tôi đã cố và cố gọi về Việt Nam. Lúc đó tôi chỉ mong sao đầu kia người nhấc máy là người tôi cần gặp, là người tôi muốn chia sẻ. Tôi chỉ ước lúc đó nghe được những giọng nói thân quen của bạn bè tôi làm tôi ấm lòng. Tôi chỉ mong sao tôi nói chuyện được lâu, thật lâu để quên đi cái lạnh, quên đi cảm giác đơn độc đêm khuya vắng. Nhưng tôi chỉ nói qua loa được vài phút, tôi đâu có gặp được bạn bè tôi. Tôi biết gọi về nhà tôi là có bố mẹ tôi nghe, nhưng tôi đâu muốn họ biết cái cảnh đó. Liệu ai có muốn để cho người thân mình biết khi mình lâm vào hoàn cảnh đó?
Chuyện kể ra nữa có lẽ phải dài như “Nghìn lẻ một đêm”. Nhưng những lúc như thế làm sao tôi có thể quên được.
Dần dần tôi mới hiểu thế nào là quê hương. Lúc nào tôi cũng nghĩ về Việt Nam, về quê hương tôi. Tôi mới biết rằng, dù đất nước người ta có văn minh nhất thế giới, có sạch đẹp nhất thế giới, có hiện đại nhất thế giới, nhưng người ta đâu nói tiếng Việt, người ta đâu ăn cơm, người ta đâu có sống chung mấy thế hệ dưới một mái nhà. Dù mình có ăn bánh mình, có ăn xúc xích, có nói hallo… thì mình cũng đâu có là người Đức, mãi mãi mình vẫn là người Việt Nam.
Tôi chỉ còn một năm nữa là tôi sẽ về hẳn Việt Nam, tôi biết khó khăn ở Việt Nam còn nhiều, và tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì, làm việc ở đâu khi về. Nhưng tôi vẫn về, tôi sẽ về, vì đó là nơi tôi được sinh ra, nơi tôi có bạn bè, có những người thân. Vì nơi đó là quê hương tôi.
Có lẽ sẽ có một vài người khi đọc những dòng này, nhất là những người chưa từng đi xa, chưa từng đặt chân lên xứ người sẽ chưa hiểu được những cái vất vả, cơ cực mà tôi muốn nói. Nhưng có đi xa mới biết, có những việc ở nhà tưởng chừng rất đơn giản, nghĩ thì dễ dàng vượt qua, nhưng thực tế khi đi xa việc nhỏ đó có khi lại là “đào núi lấp biển”.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment