Ngày 15/8, Chính phủ Đức đã bác đề nghị của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) về nâng tuổi nghỉ hưu lên 69 tuổi kể từ năm 2060 trong nỗ lực giảm tải cho hệ thống phúc lợi nước này.
Theo đó, trước khuyến nghị của Bundesbank liên quan việc điều chỉnh độ tuổi về hưu, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Berlin sẽ thực hiện lộ trình nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi vào năm 2029 so với hiện nay là 65 tuổi và lộ trình này được thực hiện dựa trên sự phát triển về nhân khẩu học ở Đức.
Hiện dân số Đức có tốc độ già hóa nhanh nhất ở phương Tây. Trong bối cảnh tuổi thọ người dân ngày càng cao trong khi tỷ lệ sinh lại thấp, Đức ngày càng thiếu lao động bù đắp cho lực lượng về hưu. Số lao động mới ít đi, đồng nghĩa với việc sẽ có ít người đóng góp cho hệ thống phúc lợi xã hội hơn và đây là lý do Bundesbank đề nghị nâng mức tuổi nghỉ hưu lên 69 tuổi vào năm 2060.
Cũng theo Bundesbank, với lộ trình như hiện nay thì tới năm 2050, Chính phủ Đức sẽ không thể duy trì lương hưu ở mức tối thiểu 43% mức lương trung bình.
Báo cáo của Ngân hàng trung ương Đức cũng cho biết vào năm 2030, người lao động sẽ phải đóng góp trung bình 49 năm làm việc cho hưu trí so với mức giới hạn hiện nay là 45 năm./.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment