2/5/16

2:48 PM - 2/5/16

Chấn thương tâm thần đối với trẻ tầm trú bị giam

Ủy Hội Nhân quyền Úc vừa công bố bản phúc trình về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề về mặt sức khỏe tâm thần vì bị giam giữ trong các trung tâm tạm giam di dân ở Úc.   

Một ngày sau khi Tối cao Pháp Viện ra phán quyết rằng việc chính phủ Úc giam giữ người tầm trú tại các  đảo Manus và Nauru là hợp pháp, thì Ủy Hội Nhân quyền Úc công bố bản phúc trình về sức khỏe tâm thần của trẻ em ở các trại tạm giam di dân.
Theo hai bác sĩ từng tiếp xúc với trẻ bị giam giữ ở trại Wickam Point ở Darwin, thì các em này nằm trong số người bị khủng hoảng nặng nề nhất mà họ biết đến trong suốt 50 năm hành nghề bác sĩ của họ. Nhiều em trong số này từng bị giam giữ trên đảo Nauru.
Bao nhiêu trẻ hiện bị giam giữ?
Theo bản phúc trình của Ủy hội Nhân quyền - dựa trên báo cáo của các bác sĩ từng vào trại Wickam Point thăm viếng, điều trị cho các em – thì đa số trẻ từ Nauru được chuyển đến đây đều bị những chứng như sợ sệt, lo lắng,  trầm cảm, tự gây thương tích hủy hoại cơ thể. Các em rất sợ bị trả lại Nauru.
Bản phúc trình của Ủy hội cho biết tính đến ngày 30/11/2015, có tất cả  174 trẻ bi giam giữ ở các trại tạm giam di dân, gồm hai thành phần : trong đất liền và ở ngoài nước Úc.
Trong đất liền có 104 em bi giam ở Darwin, Perth, Sydney, Brisbane va Melbourne, đông nhất là ở Darwin; ngoài nước Úc thì có 70 em bị giam giữ ở Nauru
Ngoài ra có 331 em được cho ra sống trong cộng đồng, gọi là community detention in Australia.
Theo hai bác sĩ Elizabeth Ellioy và Hasantha Gunasekera cho biết các em bị giam có những biểu hiệu chấn thương tinh thần nặng nề nhất, rất nhiều em nói đến chuyện tự sát, và trong đó, nhiều em đã có hành vi hủy hoại thân thể.
Giáo sư Elizabeth Elliott, một chuyên viên về sức khỏe thiếu nhi tại Đại học Sydney, người từng điều trị cho trẻ bị giam giữ trên đảo Christmas Island, nói rằng sự kiện bị giam cầm quá lâu ảnh hưởng nặng nề đến các em.
"Các em nhỏ mà chúng tôi tiếp xúc thật là bi đát. Một số em mất kỷ năng phát triển, chẳng hạn như các em thu mình lại, các em đâm ra có vấn đề về hành vi cư xử, mất ngủ, đái dầm; một số em không còn nói được nữa," bà Elliott nói.
Khi công bố bản phúc trình, Chủ tịch Ủy hội nhân quyền, giáo sư Gillian Triggs nói : việc đưa các em vào trại tạm giam khiến nước Úc có nguy cơ vi phạm nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của  trẻ em. Bà nói :
"Kết quả cuộc điều tra thật  đáng lo ngại. Nói vắn tắt thì việc giam giữ, dù là ở trên đảo Christmas hay ở Nauru  hay ở các trung tâm tạm giam trong đất liền nước Úc đều nguy hiểm, không an toàn cho trẻ em. Trong số hàng trăm trẻ mà chúng tôi đã thăm viếng thì  34%  bị bệnh tâm thần ở cấp độ từ trung bình đến nặng, so với tỉ lệ 2% trẻ bị như vậy trong xã hội Úc. Hiện nước Úc còn tiếp tục giam giữ 80 trẻ, trong số đó có cả ấu nhi bị giam ở trại Wickam Point ở  Darwin"
Xin nhắc lại, trong phiên xử hôm qua, Tối Cao Pháp Viện đã bác đơn kiện của một phụ nữ tầm trú người Bangladesh về tính cách hợp pháp của việc giam giữ người tầm trú tại đảo quốc Nauru và đảo Manus của PNG.
Bà này có thai, gặp khó khăn về mặt sức khỏe, nên được chuyển từ Nauru vào đất liền Úc hồi năm 2014 để điều trị và sinh nở. Nay đứa bé lên một và bà không muốn bị trả về Nauru nên kiện chính phủ.
Thất vọng về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện
Nhưng 6 trong số 7 thẩm phán của Tối Cao Pháp viện cho rằng việc giam giữ người phụ nữ này ở Nauru hoàn toàn hợp hiến hợp pháp.
Phán quyết này có thể ảnh hưởng đến số phận của khoảng 250  người tầm trú hiện ở trong đất liền nước Úc, gồm cả 90 trẻ em, trong số đó có cả những em từng bị xâm phạm tình dục tại Nauru.
Trước phiên xử của Tối Cao Pháp Viện, Tổng trưởng Di trú Peter Dutton quả quyết chính phủ luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho người tầm trú được chuyển vào đất liền để điều trị; nhưng cũng phải phòng ngừa điều này đưa ra một thông điệp sai lầm cho bọn chuyển lậu người. 
Thủ tướng Malcolm Turnbull đặt phán quyết của TCPV  trong bối cảnh toàn bộ chính sách bảo vệ biên giới của chính phủ ông. Ông nói :
"Chúng tôi sẽ cân nhắc cẩn thận phán quyết của Tối cao Pháp viện cùng những ảnh hưởng liên hệ của nó.  Nhưng điều mà tôi có thể nói là: hệ thống tạm giam của chúng ta vẫn rất vững vàng."
Nhưng phó lãnh tụ đối lập, bà Tanya Plibersek, nêu ra những khiếm khuyết trong việc điều hành các trung tâm tạm giam bên ngoài nước Úc.
"Chính phủ này không thể lấy gì biện minh được cho việc thời gian cứu xét hồ sơ dài gấp đôi, trung bình hiện nay là 455 ngày. Việc điều hành các trung tâm tạm giam ở Nauru hay đảo Manus ở Papua New Guinea cũng có nhiều điều mà chính phủ phải trả lời," bà Tanya Plibersek nói.
Lãnh tụ đảng Xanh Richard Di Natale cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến uy tín cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông nói :
"Ông Thủ Tướng khi lên cầm quyền có hứa hẹn là chúng ta sẽ thấy lịch sử nước Úc sang trang, sang một trang mới tích cực hơn, lạc quan hơn. Nay, vấn đề đặt ra cho ông là chuyện đang xảy ra ngay trước mũi ông, với sự tán đồng của lãnh tụ đối lập Bill Shorten. Đó là trẻ thơ, phụ nữ phải trở lại với những kẻ từng gây khốn khổ cho họ."
Theo ông Daniel Webb thuộc tổ chức Trung tâm Luật Nhân Quyền bày tỏ thất vọng về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, nhưng cho rằng tuy vậy, chinh phủ vẫn có thể chọn giải pháp cho người tầm trú đã được chuyển từ các trại giam ở nước ngoài được ở lại đất liền nước Úc.
Ông kêu gọi Thủ tướng Malcolm Turnbull cùng Tổng trưởng Di trú Peter Dutton hãy hành động như vậy .
"Ông Thủ tướng hay ông Tổng trưởng Di trú của chúng ta chỉ cần vẫy bút một cái là làm được một điều tốt  đẹp, và để cho những gia đình ấy được ở lại đây."
Chính phủ liên bang, với sự hỗ trợ của đảng Lao động, đã sửa đổi luật nhằm cho phép chính phủ được chi tiêu nhiều hơn cho việc điều hành các trại giam người tầm trú ngoài nước Úc. Còn chính phủ Nauru năm ngoái đã quyết định cho phép người tầm trú được đi lại tự do trên đảo.
Nguồn: SBS
Diệu Thủy/Baouc.com
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×