2/15/16

12:58 AM - 2/15/16

Du học sinh, làm thêm và những điều sẽ kể - Phần 1

Giống như phần lớn các bạn sinh viên khác, mình sang Đức du học tự túc. Gia đình mình ở Việt Nam cũng không dư giả gì nên mình xác định sang đây sẽ tự kiếm tiền, vừa học vừa làm.


Du học sinh, làm thêm và những điều sẽ kể – Phần 1: Làm thêm trong nhà hàng của người Việt
“Làm thêm trong nhà hàng của người Việt làm chủ” là bài viết đầu tiên trong chuỗi các bài viết mô tả về cuộc sống du học sinh ở Đức. Bài viết là những chia sẻ của những du học sinh có trải nghiệm thực sự với công việc. Bài viết không có ý định hù dọa các bạn sắp sang, chỉ mong muốn các bạn có cái nhìn đa chiều và chuẩn bị tốt hành trang khi sang Đức học tập.


Sau một tháng qua Đức với việc sáng đi học và các buổi chiều lang thang các quán ăn để xin làm bồi bàn, cuối cùng mình cũng xin được công việc đầu tiên. Sau khi thử việc một buổi, làm từ 5h chiều đến khuya (quán đóng cửa từ 11h nhưng mình phải ở lại dọn dẹp đến gần 12h đêm mới xong), sáng hôm sau ông chủ gọi mình ra gặp riêng và đề nghị mình làm thư ký riêng. Thật sự là mình bị shock và hết sức bối rối. Mình lập tức từ chối và cũng không dám làm ở quán đó luôn.
Sau đó mình xin được chân chạy bồi ở một quán khác. Nhưng công việc ở đây thực sự rất mệt. Ngoài việc ghi đồ ăn, bưng bê, khi không có khách mình còn phải kiêm luôn cả việc thái thịt, nhặt rau, rửa bát, cọ nhà vệ sinh, lau nhà, v.v… Mình làm từ 5h chiều đến 11h đêm để được nhận 20 euro tiền công. Mình biết mức lương đó là quá bèo so với công sức mình bỏ ra. Nhưng biết làm sao được. Mới chân ướt chân ráo sang xứ người, tiếng thì kém (trình độ B1 sang đây thì đúng là như câm với điếc, may chưa mù T.T), lại không quen biết ai, nên mình đành tạm chấp nhận.



Làm ở đó vài tháng (2 hay 3 tháng gì đó mình không nhỡ rõ lắm) thì mình „nhảy“ việc. Lần này may mắn mình xin được ở một chỗ tốt hơn. Quán hơi xa trung tâm, nhưng được cái chủ không ở đấy, mình làm việc cũng thoải mái hơn. Nhìn mặt mình chắc cũng có chút gọi là bảo đảm nên cuối ngày trước khi về mình chỉ việc đếm lại tiền, bỏ vào nơi quy định. Tiền tip khách cho mình cầm một nửa.
Tuy nhiên may mắn nó không ở với mình lâu. Một sáng đang mơ ngủ thì cô chủ quán gọi điện phàn nàn về việc thiếu trong ví. Lúc đấy mình chỉ nghĩ là do mình bất cẩn nên đếm sai. Cuối ngày hôm đấy, sau khi làm xong mình đếm đi đếm lại vài lần cho chắc, nhưng hôm sau vẫn thiếu. Lần này cô chủ thật sự cáu với mình, mà mình cũng thấy bực vì bị nghi oan. Quán chỉ có mình với một anh nữa đứng bếp. Nếu mình không lấy (mà rõ ràng là mình không lấy) thì chỉ có anh kia. Đến hôm sau, mình vẫn đếm lại rất cẩn thận, bỏ tiền vào ví nhưng không để ví ở chỗ cũ mà giấu vào một chỗ khác rồi nhắn tin cho cô chủ biết chỗ mình cất ví. Từ đó thì không mất một đồng nào nữa. Được một thời gian thì cô chủ bán quán, nên mình một lần nữa lại phải đi tìm công việc mới.
Với những gì mình đã trải qua thì mình có một số kinh nghiệm như sau:
1. Là con gái một thân một mình bên này rất dễ bị dụ dỗ, gạ gẫm. Gặp trường hợp như thế phải bình tĩnh và „cứng“. Việc làm „thư ký“ hay bất kì công việc nào tương tự thường phức tạp và không đàng hoàng. Các chú lại hay có vợ rồi. Mà phụ nữ đánh ghen thì…ghê gớm lắm 😛
2. Nếu có điều kiện bạn không nên đi làm sớm, nhất là lúc đang học tiếng. Nếu có chỉ nên làm cuối tuần thôi, vì đi làm về rất mệt, không muốn học hành gì luôn, mà như thế tiếng sẽ càng kém đi.

3. Sống bên này phải biết tự bảo vệ mình. Các cô chú anh chị em người Việt chỗ mình từng làm phần lớn đều rất tốt, biết mình là sinh viên họ đều giúp đỡ nhiệt tình, nhưng không phải ai cũng thế. Nói chung là „cẩn tắc vô áy náy“.
Kinh nghiệm làm cho Tây thì mình không có. Hiện tại thì mình chỉ làm hai ngày cuối tuần, vào dịp nghỉ mình mới làm voll. Mình ít đi chơi xa, ít ăn hàng quán, mua sắm thì thỉnh thoảng, cũng gọi là đủ sống mà không cần sự viện trợ của bố mẹ. Mình cũng có người nhà bên này nhưng mình không nhờ sự giúp đỡ nào về tiền bạc cả. Tự kiếm tự tiêu vẫn là thoải mái nhất. Xin hết!
Tác giả bài viết: Trần Hằng _Berlin
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×