Một số người Việt Nam sống tại Đức đang sử dụng Bằng lái xe chuyển đổi do tổ chức quốc tế IAA dịch (International Automobile Association Inc.) để lái xe tại Đức. Làm vậy có được không? Luật pháp Đức và các Hãng bảo hiểm có chi trả thanh toán cho những xe có bằng lái như vậy nếu bị tai nạn hay không?
Theo quy định của luật pháp Đức bằng lái xe quốc tế hoặc bằng dịch chỉ được phép lái xe tại Đức trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm người có bằng đó đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đức (§ 29 FeV). Sau thời gian đó bằng lái xe này sẽ hết giá trị.
Người sử dụng bằng lái xe này coi như là lái xe không có bằng. Khi bị phát hiện thì bảo hiểm sẽ có quyền từ chối trả tiền cũng như sẽ bị phạt tiền và liên quan đến tội hình sự có thể bị phạt tù.
Riêng đối với bằng Việt Nam (!) thì theo quy đinh của bộ giao thông Đức (Bundesministerium für Verkehr und digitale Infrastruktur) bản dịch của IAA từ bằng lái xe của Việt Nam sẽ không được công nhận vì IAA không phải là cơ quan chính thức có thẩm quyền nằm tại Việt Nam, nước cấp bằng gốc.
Bằng được IAA cấp (International Driver´s License) là một bằng dịch, không phải bằng quốc tế. Bằng quốc tế là những bằng được cấp theo một Công ước quốc tế về Giao thông, ví dụ công ước Vienna 1968 mà Việt Nam đã ký kết.
Dưới đây là một số thông tin so sánh giữa hai bằng lái xe để mọi người có thể hiểu rõ hơn.
a) Bằng lái xe do tổ chức IAA dịch. Việc nước nào công nhận bản dịch này và được chạy ở đâu là do mỗi nước quy định.Tại Đức nó chỉ tương đương là một bản dịch từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác.
Bạn có thể nhờ phiên dịch tuyên thệ hoặc ADAC dịch bằng gốc của bạn cũng có giá trị tương tự.
b) Bằng lái xe quốc tế theo công ước Vienna được công nhận tại Đức là bằng giấy có bìa màu xám, bao gồm 8 tờ theo mẫu quy định chung có kèm ảnh và thông tin cá nhân, dùng được tại 73 quốc gia và có hiệu lực trong vòng 3 năm (mặc dù có 85 nước ký kết).
Bạn phải đăng ký đổi bằng này tại nước bạn đăng ký thường trú và có thể dùng bằng lái xe này chạy xe ô tô trên tất cả các nước tham gia công ước Vienna .
Nếu bạn đăng ký thường trú tại Đức, bạn không thể dùng bằng lái xe Việt Nam để đổi thành bằng lái xe quốc tế được.
Mà bạn phải dùng bằng lái xe của Đức để đổi bằng lái xe quốc tế và có thể chạy xe tại Việt Nam.
1. Trong cả hai trường hợp nêu trên người lái xe luôn luôn phải mang bằng gốc đi cùng. Nếu thiếu thì bằng kia sẽ không có giá trị.
2. Một người có bằng lái xe VN trong vòng 6 tháng kể từ khi đăng ký hộ khẩu tại Đức có quyền đăng ký đổi bằng sang bằng lái xe của Đức (Umschreibung). Đổi bằng ở đây không có nghĩa là bạn đưa bằng VN cho họ và họ đưa bằng lái xe của Đức cho bạn.
Khi bạn làm thủ tục đổi bằng tại Đức bạn sẽ được hưởng những ưu đãi như không phải học những số giờ lý thuyết bắt buộc, bạn có thể tự học ở nhà rồi đi thi.
Bạn không phải học đủ số giờ thực hành quy định bắt buộc như đối với người mới học bằng lái xe, thay vào đó bạn sẽ chỉ phải đăng ký đi học thực hành với thầy giáo dạy lái xe, khi nào thầy giáo thấy bạnlái được và đăng ký cho bạn đi thi là ok.
Trên đây chỉ là thiệt hại về mặt vật chất, việc sử dụng bằng lái xe không qua đào tạo có thể dẫn đến những tổn thất về người, mọi người không nên chủ quan, liều lĩnh đánh cược sức khỏe cũng như mạng sống của mình chỉ vì muốn có được cái bằng lái xe nhanh nhất, rẻ nhất...
Mọi người khi tham khảo thông tin hay tư vấn thì nhất thiết phải tìm đúng nơi, đúng người có chức năng và có khẳ năng tư vấn. Mọi thông tin không chính xác đều có thể dẫn đến hậu quả khó lường khi bạn sống và làm việc trên nước Đức.
Luật Sư Julia Yen Vu
Văn phòng luật sư Relide
Văn phòng luật sư Relide
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment