“Đèn lồng đỏ” là một nhà hàng Việt Nam nổi tiếng tại Surry Hills,Sydney. Nhà hàng đã từng 3 năm liền được bầu chọn là “Nhà hàng châu Á tốt nhất” tại Sydney.
Điểm đến của thực khách
Tôi và một vài người bạn đến nhà hàng Red Lantern (Đèn lồng đỏ) vào một buổi tối thứ 7 đẹp trời với hy vọng sẽ có một bữa ăn tối với những món ăn Việt Nam ưa thích, nhưng anh chàng phục vụ trong quán đã làm chúng tôi thật sự thất vọng khi thông báo rằng phải đặt bàn trước ít nhất 2 tuần may ra mới có chỗ.
Một tuần sau, tôi có dịp nói chuyện với Pauline Nguyễn, cô chủ của Red Lantern tại vườn rau xanh mướt phía sau nhà hàng trên đường Crown, Surry Hills, Sydney. Tôi cũng đã đề cập đến “nỗi bức xúc” của mình khi phải chờ đợi quá lâu để được thưởng thức những món ăn tại nhà hàng đã 3 năm liền được bầu chọn “Best Asian Restaurant” (Nhà hàng châu Á tốt nhất) tại Sydney. Pauline đã thẳng thắn nói với tôi: “Đúng như vậy. Nhà hàng mở tất cả các đêm trong tuần và luôn luôn bị “quá tải” vì lượng khách đặt bàn quá nhiều. Nếu muốn ăn tại Red Lantern thì khách phải đặt bàn sớm thôi. Còn hiện tại tôi không có ý định mở rộng thêm vì như thế này là tạm ổn rồi”.
Tôi đi từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Nếu gọi là đẹp thì nhà hàng này, với tôi chỉ ở mức độ trung bình khá, cũng không quá rộng rãi và sang trọng như những nhà hàng Việt Nam khác mà tôi đã từng đến. Thêm vào đó, người làm kinh doanh thì luôn hướng đến việc mở thêm những chi nhánh khác khi nhà hàng của mình luôn ở trong tình trạng quá tải, nhưng với Pauline thì không có ý định đó.
Tuy nhiên, khi càng tiếp xúc nhiều với Pauline, như một quyển sách, khi đọc từng trang, ta càng vỡ ra nhiều điều về cuộc sống, về con người ẩn sâu trong những trang sách đó.
Tự hào ẩm thực Việt Nam
Được khai trương vào năm 2002 với sự góp công xây dựng của Pauline, em trai, Luke Nguyễn và chồng của cô, đầu bếp Mark Jensen, Red Lantern là một nhà hàng nhỏ có thể phục vụ được khoảng 70 thực khách. Nhà hàng được bài trí đơn giản với một số chiếc đèn lồng đỏ treo ở phía trước. Toàn bộ tường được sơn hai màu đỏ và đen, rất nối bật. Nội thất bên trong không mấy cầu kỳ với sự kết hợp giữa hiện đại và cổ điển với những chiếc bàn gỗ mun và chiếc tủ rượu kiểu sập gụ. Pauline tự hào rằng “đây là một nhà hàng Việt Nam, với những món ăn đậm chất Á đông nhưng cách bài trí và phong cách phục vụ hoàn toàn theo kiểu châu Âu.”
Rebecca, một blogger về ẩm thực đã viết trên blog mình rằng: “Có rất nhiều lí do để tôi tiếp tục quay lại Red Lantern. Đó không chỉ là vì thiết kế bên trong hiện đại mà còn vì những món ăn, tuy đã được thay đổi, nhưng vẫn giữ được phong cách truyền thống của các món ăn Việt Nam. Theo suy nghĩ của riêng tôi, nhà hàng này có món “Mực muối cay” ngon nhất Sydney. Món ăn có đầy đủ hương vị nhưng không đến nỗi quá cay và thêm nữa là những món rau sạch và món salát làm bạn có thể tin tưởng rằng mình đang ăn những thức ăn bổ dưỡng”.
Ẩm thực Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện ẩm thực muôn màu tại Sydney. Với sự ra đời của Red Lantern, Pauline mong muốn giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua những món ăn trong một xã hội đa bản sắc, đa văn hóa tại Australia.
Thức ăn – Ngôn ngữ giao tiếp
“Thức ăn luôn là một phần cuộc sống của chúng ta. Trong gia đình tôi, thức ăn là ngôn ngữ giao tiếp. Khi đã trưởng thành, nó “kéo” tôi quay trở về nhà. Những món ăn đã nói được những điều mà cha mẹ tôi không thể nói. Ví dụ, món canh mướp đắng mang trong nó cả niềm vui và nỗi buồn. Nó là một phương thuốc và cũng là một cách để nói “Tôi xin lỗi. Tôi luôn quan tâm đến bạn”. Pauline nói.
Tôi đã theo chân Pauline Nguyễn đến hai buổi nói chuyện của cô về quyển sách đầu tay “Secrets of the Red Lantern” (Bí mật đèn lồng đỏ) trong ngày hội những người viết sách tại Walsh Bay và trung tâm văn hóa nghệ thuật Casula.
“Bí mật Đèn lồng đỏ” là những kí ức của gia đình Pauline và những tâm sự riêng về cuộc đời của cô từ khi cả gia đình rời khỏi Việt Nam sang định cư tại Úc. Cuộc sống của Pauline được tái hiện sinh động qua những bức ảnh từ thời thơ ấu đến hiện tại. Mỗi chương sách bắt đầu bằng những câu chuyện kể và những bức ảnh, tiếp theo đó là những công thức nấu ăn của Luke, em trai Pauline và của gia đình cô.
Trong quyển sách, Pauline kể lại chân thật câu chuyện về lịch sử của gia đình mình khi rời khỏi Việt Nam, đi tìm một vùng đất mới để định cư. Pauline và gia đình đã rời khỏi Việt Nam năm 1978. Họ đã bị giữ lại trong trại tị nạn tại Thái Lan một năm trước khi định cư tại Cabramatta (khu vực cộng đồng người Việt lớn nhất tại vùng ngoại ô Sydney).
“Bí mật Đèn lồng đỏ” không chỉ là những ký ức của gia đình tôi, lịch sử của gia đình tôi, của những người tị nạn, những thuyền nhân mà còn là ký ức của cả một thế hệ của những người như chúng tôi”. Pauline nói. “Động lực chính để tôi viết quyển sách này là con gái tôi. Khi trưởng thành, con bé sẽ hiểu thông điệp mà tôi muốn gửi gắm cho nó”.
Đèn Lồng Đỏ- nhà hàng Việt nổi tiếng vùng Surry Hills, Sydney.
Vén bức màn bí mật gia đình
Càng nói chuyện nhiều với Pauline, tôi càng hiểu rõ tại sao cô không muốn mở rộng thêm nhà hàng của mình. Cô muốn dành nhiều thời gian cho đứa con gái bé bỏng của mình. Pauline có một tuổi thơ không hạnh phúc, cô bỏ nhà ra đi từ khi mới 17 tuổi.
Cô tâm sự: “Ở nhà, cha tôi luôn luôn giận dữ và rất hung tợn. Cho đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn còn cảm giác sợ hãi và chán chường. Cha tôi cực kỳ nghiêm khắc, tôi không được phép đi chơi, không thể làm những điều tôi mong muốn. Suốt ngày, tôi và các em trai của mình phải chú tâm vào công việc. Chúng tôi không được thể hiện những điều mình thích hoặc không thích, không được bày tỏ ý kiến của riêng mình”.
Bị ngược đãi trong thời thơ ấu là sự ám ảnh suốt đời đối với Pauline vì thế cô không muốn con mình bị đối xử như mình đã từng bị trước đây.
“Bí mật Đèn lồng đỏ” là câu chuyện cá nhân của riêng tôi nhưng nó là một câu chuyện hoàn toàn có thật về lịch sử gia đình và đó cũng là câu chuyện về ẩm thực- chiếc cầu nối để hòa giải những mối bất hòa trong gia đình tôi”. Pauline giải thích thêm về quyển sách.
Cô dự định khi hoàn thành toàn bộ 10 chương của quyển sách, cô sẽ đưa nó cho cha mình xem. Tuy nhiên, khi Pauline viết xong chương 7, chương viết về những điều tồi tệ nhất về cha mình thì ông đột ngột đến thăm nhà hàng của cô và thấy rất nhiều bức ảnh của mình ở đó. Ông nói với Pauline rằng ông muốn đọc quyển sách và cô đã đưa toàn bộ bản thảo 7 chương sách cho ông xem. Lúc đó, Pauline rất sợ hãi và cô biết rằng mình cần có một bữa ăn với cha để nói chuyện về cuốn sách.
“Tôi thực sự lo lắng về phản ứng của cha mình về quyển sách và trong nhiều tháng sau khi ông đọc bản thảo, tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào từ ông cả. Nhưng đến Ngày của Cha, tôi quyết định phải về nhà để nói chuyện với ông về quyển sách. Tôi đã hỏi ông: “Cha nghĩ thế nào về quyển sách của con?”. Ông trả lời: “Cũng tạm được, nhưng có một lỗi sai: Công thức làm nước mắm không chính xác”.
Pauline kể: “Khi tôi chuẩn bị ra về, tôi lại hỏi ông câu hỏi đó một lần nữa. Với giọng nói rất buồn và nghiêm túc, ông hỏi lại tôi:
– Con có biết tại sao Đức phật ngồi trên hoa sen không?
– Không ạ
– Không có gì đẹp bằng hoa sen. Hoa sen mọc trên bùn lầy nhưng nó vẫn tinh khiết. Cha là bùn lầy, nhơ nhớp, rác rưởi, nhưng các con đã lớn lên từ vùng bùn lầy Cabbramatta và các con đã thực sự trưởng thành. Cha rất tự hào về thành công của các con hiện nay. Nhưng có một điều mà nhiều người không biết về hoa sen. Đó là con có thể làm cong thân hoa nhưng con không thể bẻ gãy nó.
Cha Pauline đã không nói với cô lời xin lỗi nhưng ông đã thừa nhận điều mình đã làm. “Đó là điều tôi đã từng mong đợi hơn 20 năm qua” Pauline thổ lộ.
Khi Pauline viết quyển sách này, cô đồng thời cũng phải làm công việc quản lý nhà hàng. Mỗi ngày cô phải làm việc từ 18 đến 20 tiếng để hoàn thành cộng việc. Với “Bí mật Đèn lồng đỏ”, Pauline đã được nhận giải thưởng Cây bút mới của năm vào năm 2008. Pauline cũng dự định sẽ viết quyển sách thứ hai về truyền thống gia đình trong thời gian tới.
Nguồn: Viet Uc Times
Diệu Thủy/Baouc.com
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment