2/27/16

11:27 PM - 2/27/16

Học đại học ở Đức: Thiết thực để hành nghề


Hiện nay, CHLB Đức là một trong số ít những quốc gia ở châu Âu không thu học phí trong các trường đại học công lập, kể cả đối với sinh viên nước ngoài.



Tết sinh viên 2016 tại Berlin.

Trước đây, một số bang do CDU/CSU cầm quyền có thu học phí, nhưng cũng chỉ thu ở mức khiêm tốn khoảng 500 Euro một học kỳ. Tuy nhiên, sinh viên ở các trường đại học mỗi học kỳ vẫn phải đóng một khoản lệ phí khoảng trên dưới 200 Euro cho các phúc lợi xã hội, trong đó có vé tàu xe công cộng.

Kể từ năm 1999, sau khi 29 bộ trưởng giáo dục châu Âu ký Tuyên bố Bologna về cải cách giáo dục đại học, nhằm thiết lập một không gian đại học thống nhất ở châu Âu, thì Đức cũng dần dần thay đổi, chuyển việc đào tạo đại học theo hệ Diplom (khoảng 4-5 năm) và cao học theo hệ Magister sang hệ đào tạo đại học Bachelor và cao học Master cho tương đồng với các nước châu Âu khác và cùng áp dụng Hệ thống chuyển giao tín chỉ châu Âu (ECTS).

Thông thường, việc học để lấy bằng Bachelor (cử nhân) được dự kiến là 6 học kỳ (3 năm), nhưng trên thực tế, những người chỉ cần 6 học kỳ có được bằng Bachelor là rất ít chỉ chiếm chưa tới 40%, mà phải học thêm 1-2 học kỳ. Thậm chí trên ¼ số sinh viên (trung bình là 28%) phải bỏ dở, không có bằng tốt nghiệp. Sau đó, những sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên có thể học cao học thêm khoảng 4 học kỳ (2 năm) nữa để lấy bằng Master (thạc sĩ).

Quá trình học Bachelor cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn và cơ sở cho làm việc khoa học. Ngoài ra, sinh viên có thể lĩnh hội thêm khả năng nói và quan hệ xã hội. Trong nhiều ngành học theo Bachelor, sinh viên phải có thời gian thực tập để làm quen với thực tế ngành học của mình.

Chương trình học Bachelor được chia thành các module theo từng chủ đề. Một modul thường bao gồm các chương trình liên quan tới nhau như nghe giảng trên hội trường, hội thảo trong nhóm và luyện tập. Điểm của các chương trình được cộng lại, chia đều sẽ thành điểm bình quân của từng modul. Điểm của tất cả các modul sẽ được đưa vào điểm tổng kết cuối cùng.

Với việc học Bachelor, người ta cũng đưa vào áp dụng một hệ thống tính điểm thống nhất ở EU được gọi là Hệ thống chuyển giao tín chỉ châu Âu (ECTS), tạo điều kiện cho sinh viên chuyển trường trong EU vẫn được công nhận những phần đã học xong. Thông thường, khi học Bachelor trong 6 học kỳ, sinh viên phải đạt được 180 điểm tín chỉ, có nghĩa là bình quân mỗi học kỳ được 30 điểm tín chỉ. Một điểm tín chỉ tương đương với 30 giờ học tập, làm việc trong học kỳ. Muốn học xong Bachelor trong 6 học kỳ, người ta phải lên kế hoạch học tập, làm việc 40 giờ một tuần trong cả năm.

Để kết thúc chương trình học đại học theo hệ Bachelor, sinh viên phải viết luận văn tốt nghiệp trong học kỳ cuối. Với bài luận văn tốt nghiệp, sinh viên phải chứng minh khả năng của mình trong việc tự chủ, tự lập xử lý một vấn đề trên cơ sở khoa học. Tùy ngành học mà bài luận văn cần dài ngắn, thời gian viết lâu, mau và điểm số được cho khác nhau. Thông thường, sinh viên phải viết luận văn dài từ 20 tới 60 trang, mất từ 180 tới 360 giờ làm việc, nhưng chỉ nhận được từ 6 tới 12 điểm tín chỉ. Điều đó cho thấy bài luận văn tốt nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong điểm số cuối cùng.

Trong một số ngành học, sinh viên cũng phải trải qua một kỳ thi vấn đáp.

Modul tự chọn cho phép sinh viên tự hướng nghiệp

Việc phân chia modul, trong đó có những modul có thể tự chọn là rất thiết thực cho sinh viên để có thể xác định sau này mình muốn làm gì. Có thể tạm chia cả khóa học thành ba phần không đều nhau. Sau khi lựa chọn ngành học chính với những modul bắt buộc, sinh viên có thể chọn những modul hạn chế, đi kèm với ngành học chính. Ví dụ như sinh viên chọn tiếng Anh là ngành học chính, thì họ có thể chọn tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung… là ngành học phụ chẳng hạn. Ngoài ra, sinh viên sẽ được tự chọn những modul cho phần học thứ ba. Phần này rất thiết thực cho những sinh viên học ngoại ngữ. Ví dụ như một sinh viên học tiếng Anh, tiếng Nhật, nếu sau này muốn làm việc trong ngành thương mại thì học thêm về thương mại, nếu muốn làm báo thì học truyền thông… Những kiến thức có được về lĩnh vực thương mại hay truyền thông sẽ bổ sung, hỗ trợ cho kiến thức về ngoại ngữ. Vì vậy, sau khi ra trường là có thể làm việc ngay trong lĩnh vực mình lựa chọn từ trước chứ không phải đào tạo thêm.

Hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế và trường đại học

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Đức có hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Họ có thể giao những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết cho các trường nghiên cứu. Họ cũng nhận sinh viên vào thực tập, làm quen với thực tế.

Một số tập đoàn cũng kết hợp với trường đại học để lựa chọn sinh viên vừa học vừa làm. Số sinh viên này được họ lựa chọn rất kỹ theo mục tiêu ngành nghề mà họ muốn đào tạo. Khi vào học, sinh viên đó sẽ có thời gian học và thời gian làm, ví dụ như hai tuần lễ đi học, hai tuần lễ đi làm, hàng tháng được nhận lương. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đó sẽ được nhận ngay vào tập đoàn làm việc, một công việc thực ra họ đã quen, nhưng giờ đây ở trình độ cao hơn mà thôi.

Việc hợp tác chặt chẽ giữa các tập đoàn kinh tế và các trường đại học là rất quan trọng để sinh viên có thể học những điều gần gũi với thực tế và nhiều công trình nghiên cứu, phát minh trong các trường đại học có thể được nhanh chóng đưa vào áp dụng trong thực tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp Đức.

Văn Long - Thoibao.de (Tổng hợp)
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×