Sau vụ đánh bom khủng bố ở sân bay và một nhà ga tàu điện ngầm ở Brüssel, Vương quốc Bỉ làm ít nhất 34 người chết và 230 người bị thương, lực lượng đặc nhiệm Bỉ đã tích cực truy lùng một kẻ đang chạy trốn và tìm hiểu mạng lưới của những tên khủng bố.
Cảnh sát liên bang tăng cường hiện diện ở nhà ga, sân bay.
Khi lục soát nơi ở của những kẻ đánh bom liều chết, họ đã phát hiện được 15 kg thuốc nổ, 150 lít Aceton, ngòi nổ là những thứ có thể chế tạo bom cũng như một vali đầy đinh và ốc vít để có thể gây sát thương nhiều khi bom nổ. Đây là bằng chứng cho thấy những tên Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục lên kế hoạch khủng bố. Các cuộc điều tra cho thấy những kẻ tấn công khủng bố ở Brüssel có thể liên quan tới các cuộc khủng bố ở Paris năm ngoái. Sau các cuộc tấn công khủng bố ở Luân Đôn, Paris và Brüssel, những thủ đô lớn ở châu Âu, người ta phải đặt câu hỏi là nguy cơ khủng bố đối với Berlin, thủ đô nước Đức thế nào, có lớn hay không?
Theo Cơ quan bảo vệ Hiến pháp Đức số lượng những tên Hồi giáo cực đoan Salafisten ở Berlin đã gia tăng lên 710 người so với con số 690 người mới cách đây vài tuần, trong đó có 360 được xếp loại sẵn sàng sử dụng bạo lực. Trong báo cáo của Cơ quan bảo vệ Hiến pháp năm 2013 mới đề cập tới 500 tên và năm 2014 là 570 tên.
Giống như bang Nordrhein-Westfalen và Hessen, Berlin cũng được coi là một thành trì của những tên Hồi giáo cực đoan Salafisten, vì ở đây chúng dễ dàng ẩn náu do có nhiều người gốc Arập.
Cơ quan bảo vệ Hiến pháp cho rằng, lý do cho việc số lượng những tên Hồi giáo cực đoan Salafisten gia tăng có lẽ là vì làn sóng tị nạn. Những tên „Thánh chiến“ có thể được tuồn vào Đức dưới dạng tị nạn. Mới đây, ông Bernd Palenda, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ Hiến pháp Berlin đã phát biểu, coi đây là một „tình hình đang lo ngại“.
Về cơ bản, dĩ nhiên Berlin nằm trong danh sách những mục tiêu khủng bố tiềm năng. Tháng 2 vừa qua, ông Palenda cho biết, tổ chức IS đang theo đuổi một chiến dịch khủng bố khắp châu Âu, nhằm vào tất cả các thành phố lớn của châu Âu. Từ nhiều năm nay, Berlin đã bị coi là có nguy cơ tiềm ẩn cao và luôn được đặt vào tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, ông Frank Henkel, Bộ trưởng Nội vụ Berlin khẳng định rằng hiện nay không có một „nguy cơ cụ thể“ nào đối với Berlin.
Cơ quan cảnh sát liên bang phụ trách về an ninh ở các nhà ga đường sắt và sân bay cho biết, bên cạnh việc đưa cảnh sát mặc áo giáp chống đạn, mang súng máy đi tuần, cơ quan này cũng áp dụng những biện pháp an ninh mà bình thường không nhận ra được.
Sau các vụ khủng bố ở Brüssel, các biện pháp an ninh ở Đức cũng được thắt chặt trước nguy cơ khủng bố được đánh giá là rất cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Thomas de Maiziere cho biết là không có dấu hiệu gì cho thấy liên quan tới Đức, việc tăng cường an ninh là để đề phòng nguy cơ nói chung.
Theo thống kê vào cuối tháng 12/2015, trên toàn nước Đức có 447 người được liệt vào phần tử nguy hại Hồi giáo, tức là những người có thể thực hiện những hành động tội phạm. Những người này nếu ở Đức thì thường xuyên được xác định nơi đang cư trú, thỉnh thoảng cũng bị theo dõi. Chính phủ Đức ước tính có khoảng 1.100 người thuộc diện tiềm năng khủng bố Hồi giáo sống ở Đức hoặc có quốc tịch Đức.
Lo ngại nhất là hơn 800 người đã từ Đức sang Syri hoặc Irắc để tham gia lực lượng „Thánh chiến“. Theo cơ quan an ninh Đức, khoảng 1/3 trong số này đã trở lại Đức, có kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng theo luật pháp hiện hành, việc rời nước Đức đi tới một khu vực nội chiến không phải là phạm tội, nên không phải là lý do để giám sát khi trở về, kể cả giám sát điện thoại, chỉ trừ khi có những dấu hiệu khả nghi cụ thể.
Cơ quan bảo vệ Hiến pháp nhấn mạnh rằng việc chống khủng bố là nhiệm vụ của toàn xã hội. Mọi công dân nên thông báo với cơ quan chức năng, nếu phát hiện việc tuyển mộ người cho hoạt động khủng bố hoặc trở thành Hồi giáo cực đoan.
Hinweistelefon islamistischer Terrorismus
Telefon: +49(0)221/792-3366
E-Mail: HiT@bfv.bund.de
E-Mail: HiT@bfv.bund.de
Văn Long – Thoibao.de (Tổng hợp theo báo chí Đức)
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment