Theo luật cư trú ngoại kiều ở Đức (AufenthG), người nước ngoài (không phải trong khối EU) chỉ có thể sinh sống ở nước Đức với những mục đích sau:
- Cư trú vì mục đích giáo dục
- Cư trú vì mục đích lao động hoặc hoạt động kinh doanh
- Cư trú vì mục đích nhân đạo và/hoặc tỵ nạn chính trị
- Cư trú vì mục đích đoàn tụ gia đình
- Cư trú vì các mục đích đặc biệt khác
Trong trường hợp mẹ của anh/chị muốn sang cư trú ở Đức vì mục đích đoàn tụ gia đình, phần thủ tục sẽ phụ thuộc vào quốc tịnh của anh/chị (người hiện đang cư trú ở Đức).
Pháp luật phân biệt giữa đoàn tụ với công dân có quốc tịch Đức hoặc đoàn tụ với công dân nước ngoài nhưng có quyền cư trú ở Đức.
Theo điều 28 và điều 29 AufenthG, công dân có quốc tịch Đức và công dân nước ngoài có quyền cư trú ở Đức được đón thân nhân sang Đức cư trú vì mục đích đoàn tụ gia đình trong các trường hợp sau:
- Vợ hoặc chồng
- Con dưới tuổi vị thành niên
- Bố và/hoặc mẹ của người dưới tuổi vị thành niên với mục đích thực hiện quyền và nghĩa vụ của người cha/ người mẹ.
Nếu công dân nước ngoài cư trú ở Đức đón thân nhân thì cần đáp ứng thêm những điều kiện sau:
- Đủ thu nhập để nuôi sống cả gia đình
- Diện tích nhà đủ cho gia đình sinh sống
Mẹ của anh/chị có thể sang đoàn tụ gia đình theo điều 36, phần 2 AufenthG. (Điều luật này cho phép những người thân khác được sang Đức cư trú trong những trường hợp khó khăn đặc biệt).
Theo điều luật này, mẹ của anh/chị sẽ được phép sang sinh sống ở Đức. Ngoài những điều kiện trên anh/ chị phải chứng minh rằng mẹ của anh/chị đang trong tình trạng khó khăn đặc biệt. Tuy nhiên, việc xác nhận tình trạng khó khăn đặc biệt sẽ do sở ngoại kiều/Đại sứ quán Đức ở Việt nam dựa trên hoàn cảnh cụ thể để quyết định.
Theo quyết định của các sở ngoại kiều trong thời gian gần đây, việc xác nhận trên không phổ biến và chỉ được áp dụng với những trường hợp người thân (mẹ) ốm đau hiểm nghèo liên quan đến tính mạng và không nơi nương tựa nào khác ngoài người nhà hiện đang cư trú ở Đức.
Như vậy, trong trường hợp cụ thể của anh/chị, khả năng đón mẹ anh/chị sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình rất khó khăn.
Thủ tục đón mẹ của anh chị như sau: anh /chị đến sở ngoại kiều trực thuộc và trình bày hoàn cảnh gia đình. Anh /chị ký giấy chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc sống của mẹ của anh/chị.
Sau đó mẹ của anh/chị lấy mẫu đơn xin sang đoàn tụ ở ĐSQ Đức ở Việt Nam, hẹn ngày nộp đơn. ĐSQ có thể phỏng vấn và điều tra xác định xem những điều anh/chị và gia đình trình bày có đúng sư thực không và quyết định cụ thể.
Luật sư Nguyễn Thu Hà - tại Darmstadt
Nguồn : hoiluatsu.net
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment