Việc xử phạt ngày đầu gặp khó khăn, người vi phạm không mang giấy tờ. Chủ yếu nhắc nhở là chính.
Hôm nay (1/2), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP Hà Nội) đã tiến hành xử phạt, tuyên truyền với những người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của tín hiệu đèn, biển báo, vạch kẻ đường, đi không đúng làn đường...
Thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến 15h ngày 1/2, các đơn vị thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã xử lý 102 trường hợp người đi bộ vi phạm giao thông.
Trong đó có 29 trường hợp đi không đúng phần đường quy định, 71 trường hợp vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định, 2 trường hợp mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông.
|
Theo quy định, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi phạm như: Đi không đúng phần đường quy định; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Ông Tạ Văn Đức ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Sáng nay đi tập thể dục ở bờ hồ Hoàn Kiếm thấy CSGT thổi phạt những người đi bộ tôi mới hay Hà Nội đang triển khai thực hiện quy định này. Tôi cho rằng việc xử phạt này cũng có cái hay giúp người đi bộ biết rằng họ cũng là một nhân tố tham gia giao thông, việc đi không đúng cũng khiến gây ra tai nạn như các phương tiện giao thông khác. Nếu tai nạn xảy ra mà chính họ là nạn nhân thì họ thiệt thân và làm khổ người khác”.
Khi được hỏi về việc CSGT Hà Nội tiến hành xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông, ông Trịnh Đình Hùng, một người dân sống ở gần cầu vượt Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng tỏ ra đồng tình.
Theo ông Hùng việc xử phạt sẽ giúp người đi bộ có ý thức hơn khi đi ngang qua đường. “Hàng ngày vào giờ tan tầm buổi chiều mật độ ô tô, xe máy di chuyển hướng Đại Cồ Việt- Trần Khát Chân dày đặc phải nhích từng cm. Nhẽ ra phải đi lên trên lối có kẻ vạch dành cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn đi tắt băng qua gầm cầu (dải phân cách trồng cây cảnh dưới gầm cầu) để sang đường, len lỏi bước qua đầu xe đang chờ đèn đỏ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra lộn xộn và tiềm ẩn tai nạn giao thông”.
Theo ghi nhận của PV tại một số nút giao thông, nhiều người khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi vì đi sang đường khi có đèn đỏ, đi sai vạch kẻ dành cho người đi bộ đã tỏ ra bối rối vì không biết có quy định xử phạt người đi bộ.
Việc CSGT xử lý đối với các trường hợp vi phạm cũng rất khó khăn. Đa số các trường hợp vi phạm sinh sống ở gần các điểm vi phạm. Vì thế nhiều người không mang giấy tờ.
Không có lối đi trên vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. |
Theo chiến sĩ Trần Trung Tuyên, Đội CSGT số 4 , việc xử phạt người đi bộ vi phạm rất khó, từ sáng đến 2h chiều nay, lưc lượng CSGT tại nút giao Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào. Chủ yếu là nhắc nhở người đi bộ đi đúng tín hiệu đèn và vạch kẻ. “Việc xử phạt rất khó, có vài trường vi phạm chủ yếu là những người già, nhà gần khu vực nút giao. Khi đi họ không mang theo chứng minh thư nên CSGT chỉ nd hắc nhở họ đi đúng phần đường quy định".
Tuy nhiên, việc xử đúng lỗi vi phạm của người đi bộ cũng có những khó khăn nhất định. Đó là nhiều khu vực hiện nay vỉa hè, lòng đường được trưng dụng làm bãi trông giữ ô tô, xe máy khiến người đi bộ phải đi vòng để tránh dẫn đến vi phạm./.
Phong Linh/Theo VOV
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment