5/5/16

5:18 PM - 5/5/16

"Công thức bí mật" hướng nghiệp giới trẻ Đức

Cứ tháng 5, tháng 6 hàng năm là những học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp bậc học của mình tại Việt Nam lại trở nên dễ hoang mang trước tương lai "đi tiếp ra sao". Trong khi đó, với "công thức bí mật" hướng nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, phân loại học sinh từ ngay bậc trung học đã khiến nước Đức đạt "tiêu chuẩn vàng" trong mô hình đào tạo nghề trên thế giới.


Tờ báo của Anh – Finacial Times đã mô tả mô hình đào tạo nghề của Đức là “tiêu chuẩn vàng” đối với các nước. Mô hình giáo dục hướng nghiệp tại Đức đã bắt đầu từ năm 1969 với Đạo luật Đào tạo nghề nghiệp. Đạo luật này quản lý công tác chứng nhận và công nhận hơn 350 ngành nghề lao động. Đạo luật kiểm soát các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của những nhà đào tạo, như thời gian đào tạo, nội dung đào tạo, giáo trình, thi cử, tiêu chuẩn,… Theo đạo luật này, hệ thống giáo dục của Đức được phân loại kỹ lưỡng để hướng người học đi theo con đường học thuật chuyên sâu hay đào tạo nghề nghiệp. Về cơ bản, các cấp mẫu giáo và tiểu học của nước Đức khá giống với phần lớn các hệ thống giáo dục trên thế giới.

Tuy nhiên, khi học cấp trung học cơ sở, ngay lập tức học sinh được phân vào các loại trường Hauptschule hoặc Realschule để được tuyển vào các trường Gymnasium hướng tới con đường học đại học sau này hay bắt đầu học đào tạo nghề nghiệp. Việc phân loại học sinh được dựa trên đánh giá của giáo viên về năng lực học tập, kết quả trong quá trình học, nguyện vọng của học sinh và yêu cầu của phụ huynh. Một số trường còn cho học sinh thời gian trong 2 năm chuyển tiếp để chắc chắn với lựa chọn của mình, sau khi được phân loại. Không những thế người học cũng có thể dễ dàng chuyển từ đào tạo nghề nghiệp sang giáo dục đại học bằng cách đăng ký dự các kỳ thi sát hạch đại học của các trường.


Ngoài ra, hệ thống đào tạo kép giúp các học sinh không muốn học đại học có thể học nghề trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp và lý thuyết nghề cùng các môn cơ bản khác như ngoại ngữ và kinh tế. Để có thể theo học, người học nghề, phải ký một hợp đồng với một doanh nghiệp. Quá trình học nghề và thực tập kéo dài từ 2 - 4 năm, tùy vào các ngành nghề cụ thể. Công ty trả cho học viên mức lương bằng 1/3 thu nhập của người lao động có tay nghề. Mô hình đào tạo vừa học vừa làm tạo cơ hội cho các sinh viên trường nghề được lập tức thực tập những lý thuyết mà họ học ở trường. Đối với các học viên, mỗi sai lầm ở nhà máy đều gây những tổn thất thật sự, do đó họ phải tự phát triển bản thân một cách nhanh chóng. Hệ thống của Đức cũng rất linh hoạt. Các học sinh sau khi đăng ký học nghề mà cảm thấy không phù hợp hoàn toàn có thể quay trở lại trường, học một nghề khác, đăng ký thực tập tại một công ty khác.

Theo số liệu của Chính phủ Đức, khoảng 60% học sinh Đức sau khi tốt nghiệp cấp III lựa chọn con đường như Dittmar. Hệ thống “đào tạo kép” của Đức đào tạo tới 1,5 triệu người mỗi năm, từ thợ làm bánh, thợ cơ khí, thợ mộc cho đến đầu bếp và người chế tạo đàn violin…

Chị H.T.T, một phụ huynh có con học tại Đức đã kể lại câu chuyện của chính con chị, để thấy tư duy người Việt vẫn "không theo kịp" nổi với mô hình đào tạo của nước Đức: Lấy chồng người Đức nên khi sinh ra, bé nhà chị đã được hưởng mọi điều kiện chăm sóc, giáo dục của đất nước này. Ngay từ bậc mẫu giáo, tiểu học, bọn trẻ được xác định học mà chơi, chơi mà học, chẳng ai bắt ép, nhồi nhét chúng đi học chữ, luyện tay trước khi vào lớp 1 như các phụ huynh Việt nhà mình. Vào tiểu học, lũ trẻ vẫn chơi là chính, thông qua các trò chơi, bọn trẻ học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống chứ không ép chúng viết đẹp, làm tính nhanh như con em chúng ta. Tuy nhiên, giáo viên đã quan sát và nhận xét rất kỹ từng học sinh để trao đổi với cha mẹ về những sở thích, sự quan tâm của con cái tring cuộc sống.

Lên bậc trung học cơ sở, lũ trẻ bắt đầu được "phân loại" dựa vào kỹ năng, thiên hướng và sở thích, tính cách... Định hướng nghề nghiệp đã có quá trình hình thành ngay từ lúc này, tuy nhiên tất cả chỉ là dựa trên năng lực học sinh để đưa ra lời khuyên: ai nên học nghề, ai nên đi tiếp con đường đại học để nghiên cứu hoặc phát triển tiếp khả năng học tập... Đến bậc trung học phổ thông thì mọi thứ đã rõ nét hơn, nhưng vẫn có sự điều chỉnh phân loại tuỳ theo sự phát triển của bọn trẻ, rất có thể, tự dưng chúng lại "trỗi dậy" khả năng gì đó ở bậc học này....

Cậu bé nhà chị T "bị" phân loại chỉ nên hướng nghiệp nghề, không nên học tiếp đại học khiến chị bức xúc, kêu than với chồng bởi anh nhà chị đang là một giáo sư đại học chuyên về nghiên cứu khoa học, "con nhà tông" cơ mà. Thế nhưng, là người Đức, anh vốn quá quen và tin tưởng vào sự "phân loại" này nên rất bình thản khi thấy con được định hướng nghề nghiệp như vậy, trong khi chị bực bội, khó chịu, ấm ức vì con không được đi theo đúng định hướng chị mong muốn. Điều đó cho thấy hệ thống giáo dục còn "nhiều bất cập" hiện nay, lỗi phần "to" cũng do tâm lý của phụ huynh Việt tác động vào.

Còn với hệ thống phân loại "văn minh" này của Đức, dễ hiểu tại sao tỉ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 4/2016 tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục 6,02%, giữa lúc nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang được đánh giá đi đúng hướng bất chấp những khó khăn chung của kinh tế thế giới. Thống kê cho thấy số người đăng ký thất nghiệp tại Đức đã giảm 16.000 người, xuống còn 2.706 triệu người trong tháng 4, không thay đổi so với tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×