Hồng sang lao động suốt hai năm mà vẫn lẻ bóng. Khi nước Đức thống nhất, Hồng là bóng hồng miền Nam duy nhất ở lại và may mắn nên duyên với một chàng trai da trắng. Tôi thầm nghĩ, đâu phải cứ xinh là truân chuyên kiếp hồng nhan.
Tôi chọn cho cô một cái tên giống một loài hoa, bởi khuôn mặt của cô ngày ấy tươi lắm, rạng rỡ làm sao. Tôi gọi cô là Hồng.
Hồng sang Đức khi vừa 19 tuổi, là một trong số 8 vạn người Việt xuất khẩu lao động sang Đức, rồi làm công nhân trong dây chuyền sản xuất ô tô I Fa, một nhà máy nổi tiếng của Đông Đức nằm cạnh thành phố tôi ở.
Hồng có khuôn mặt đặc Nam Bộ, xinh, tóc xõa ngang vai và xanh mươn mướt. “Quê em ở Cần Thơ anh Hai à, anh đã vô Cần Thơ lần nào chưa?”, Hồng nói, giọng cô nhè nhẹ, êm dịu dễ thương. Chỉ tội cô hơi gầy so với nhiều thiếu nữ cùng sang Đức lúc bấy giờ, những cô gái hợp vùng tuyết lạnh ôn đới, đều có da có thịt, trắng hồng.
Hồng có khuôn mặt đặc Nam Bộ, xinh, tóc xõa ngang vai và xanh mươn mướt (Ảnh: ST)
Hai năm lao động trôi qua, không có gì phàn nàn, bởi Hồng chả yêu ai.
Cô như con sáo nhỏ ríu rít bên cạnh các đồng hương. Hồng không buồn, ngoài thời gian lao động ở nhà máy, cô lấy hoạt động công tác Đoàn làm nguồn vui. Vả lại ai sang Đức, chủ yếu là để kiếm tiền, mà lương cô cũng kha khá.
Khi bức tường Berlin đổ, nước Đức thống nhất. Trong đội lao động Việt hơn 400 người, đa số anh chị em bất ngờ nhận 3.000 D.M đền bù trở về nước.
Hồng là người miền Nam xứ gạo trắng nước trong duy nhất ở lại. Nhà máy ô tô I Fa vốn có truyền thống đùm bọc anh em thợ Việt nên vẫn dành một khu tập thể hai tầng cho số anh chị em không về nước.
Trong khu tập thể, đa số là các cặp đôi, duy nhất Hồng ở một mình trong gian phòng rộng thênh thênh.
Sao Hồng lại phiêu lưu ở lại Đức một mình khi cô lọt thỏm, đơn độc?
Hỏi ra mới biết, cô vừa có bạn trai người Đức rất tốt, làm cùng phân xưởng.
Tôi nghe tin mà mừng cho Hồng, bởi người Việt bấy giờ, khi bị chấm dứt hợp đồng lao động thì chỉ còn nước ra đường buôn bán.
Nhưng buôn bán không thể một mình. Người liễu yếu tay mềm, mong manh như đóa hoa trước cơn biến động khủng khiếp trên toàn nước Đức thì ai sẽ căng ô, dựng bạt, ai lái xe lấy hàng?
Hai ba lần sang chơi với anh em Việt Nam ở khu nhà, nơi Hồng ở, tôi cũng nhìn thấy chàng trai ấy. Một thanh niên Đức ở tuổi hơn ba mươi, rất cao lớn, đẹp trai, tóc màu vàng nâu điềm đạm bên cô gái Việt nhỏ bé. Chắc họ hạnh phúc lắm vì Hồng luôn cười, khoe hàm răng đều tăm tắp như hạt na.
Cô hạnh phúc bên người đàn ông Tây cao lớn, tóc vàng (Ảnh: ST)
Cặp đôi này không căng ô, bán quần áo như những người Việt khác bởi chàng trai Đức còn việc làm, ba ca lao động mệt nhoài nên không thể làm chân phụ việc cho Hồng bán quần áo. Hồng làm chân giao thuốc lá ngay tại khu ở cho vài khách ở xa tới.
Công việc ấy thực chất là làm thuê cho một tay giao thuốc bán buôn, song nhàn nhã và có thu nhập chút ít, dù kém mấy tay dám chường ra đường bán lẻ.
Rồi đám cưới với anh bạn người Đức được tổ chức. Tôi không tham dự nhưng nghe anh em kể lại, tuy đám cưới không ồn ã, náo nhiệt như các cặp vợ chồng thuần Việt lấy nhau, nhưng cũng vui và lạ khi có cảnh hai vợ chồng Hồng kéo cưa đứt một khúc cây theo phong tục của dân vùng ấy.
Cũng một lần tôi đi ngang qua nhà cô ở, đó là một căn nhà biệt lập giữa cái vườn nhỏ xanh mướt hoa trái. Thế là tuyệt vời quá rồi, bởi Hồng tuy chấm dứt việc buôn bán thuốc lá, nhưng cô có lương thất nghiệp đủ sống.
Kỳ sau: Lỡ dở tình duyên, mất tất cả
Nhà Văn
Nguyễn Văn Thọ
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment