Giao thông trật tự, cảnh sát thì lịch sự... Bạn đọc Trần Trọng Bình, giám đốc một công ty tư nhân viết cho diễn đàn
Trong dịp sang Đức công tác và kết hợp du lịch năm 2010, điểm đến chính của tôi là Muchen (Munich), một thành phố đẹp và giàu có. Điều làm tôi thích thú và quan sát nhiều nhất, đó là sự tuân thủ luật giao thông của người dân.
Hôm đó là ngày nghỉ của bạn tôi, sống và làm việc tại TP Muchen, tôi gợi ý ”cho đi thăm thủ đô của nước Đức” và được đồng ý. Chúng tôi lên đường…
Tác giả bài viết (thứ hai bên phải) trong chuyến công tác Đức năm 2010
Trên đường cao tốc mà Đức gọi là “Autoband” từ Muchen đến Berlin, ô tô chạy rất nghiêm túc, đường xe thường có 4 làn (như đại lộ Thăng Long và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Làn ngoài cùng bên trái rất vắng và được hiểu như làn chỉ để cho xe đi tốc độ cao và cho các xe xin vượt. Sau khi vượt xong chiếc xe xin vượt lại đi vào làn số 2 dành cho xe chạy bình thường. Các tín hiệu xin vượt, khi ra, khi vào đều sử dụng xi-nhan.
Xe của chúng tôi chạy với tốc độ 180 km/h. Thỉnh thoảng có những chiếc xe như Portche, Audi thể thao (loại hai cửa)… vượt vèo qua (tốc độ áng chừng 200-220 km/h).
Các biển báo tốc độ, lối ra, lối vào đều được kẻ vẽ rất to và sơn phản quang để buổi tối cũng có thể nhìn được. Các thông tin cung cấp cho lái xe như đường sửa chữa, đường tắc, đường xảy ra tai nạn đều được thông báo qua hệ thống bảng báo điện tử treo ngang đường…
Cảnh sát bên Đức rất hiếm khi có mặt trên đường Autoband. Tuy nhiên, nếu họ xuất hiện và đi ngay sau xe của bạn mà hú còi tức là bạn phải dừng xe để cảnh sát kiểm tra.
Vào TP Berlin, đang mải mê ngắm mọi thứ xung quanh thì chiếc Mercedes của bạn tôi nghi ngút khói từ nắp capo bay ra. Chúng tôi dừng xe và bật đèn PAL (đèn nháy cả hai bên xi-nhan xe). Tất cả các phương tiện đều đi chậm lại và vòng tránh qua xe của chúng tôi, không một tiếng còi, không một câu to tiếng…
Trong khi đợi sửa xe, một người bạn khác đến đưa chúng tôi đi tham quan. Nhưng không may khi mới qua được một ngã tư, gặp đèn đỏ nên chúng tôi dừng xe sau chiếc xe SUV do một người Đức lái. Bất ngờ, anh chàng kia lại cài số lùi và va chạm chiếc xe của chúng tôi khiến cửa bên lái bị móp.
Tất cả chúng tôi và anh chàng lái xe người Đức đều ra khỏi xe, giữ nguyên hiện trường yêu cầu anh bạn người Đức gọi cảnh sát đến xử lý. Phí một lần gọi cảnh sát tới là 100 euro.
15 phút sau, cảnh sát tới. Việc đầu tiên cảnh sát đề nghị: Lần sau nếu có tai nạn nhẹ thì đề nghị đỗ xe dẹp vào lề đường và chờ cảnh sát tới - không đỗ nguyên hiện trường gây ách tắc giao thông ảnh hưởng tới người khác.
Ảnh hiện trường cú va chạm xe, được cảnh sát Đức xử lý khiến tác giả thấy lạ
Việc thứ hai, anh cảnh sát lấy ra 2 tờ giấy trắng, trên mỗi tờ ghi biển số của hai xe tai nạn. Tờ ghi biển số xe của người này thì đưa người lái xe kia viết và ngược lại. Nội dung yêu cầu 2 lái xe ghi tên tuổi, số bằng lái, nơi cư trú, số bảo hiểm…
Sau đó anh cảnh sát cầm cả 2 bản, kiểm tra bằng lái… rồi trả lại bằng lái cho 2 người, đề nghị thông báo với công ty bảo hiểm của 2 bên biết. Lỗi được xác định thuộc về chủ xe SUV ngay tại hiện trường và ghi vào bản tường trình trước mặt 2 lái xe.
Về phần bồi thường bên công ty bảo hiểm có trách nhiệm. Hai lái xe bắt tay nhau và đường ai người đấy đi. Vậy là tình huống được giải quyết xong, cả hai bên đều cảm thấy rất bình thường.
Ý thức khác biệt
Khi tham gia giao thông ở Đức, khi hai xe tránh nhau ở đường hẹp, bên nào nháy đèn pha là báo hiệu nhường đường cho xe ngược chiều qua. Ở Việt Nam thì ngược lại.
Khi từ 2 làn đường được chập vào 1 làn như khi lên cầu, qua nơi đường hẹp thì các phương tiện sẽ tuân thủ theo quy tắc bên trái 1 xe qua, sau đó đến bên phải 1 xe. Cứ như vậy nên không có ùn tắc xảy ra. Còn ở Việt Nam tất cả cùng lên, cùng qua, nếu chạm nhau thì dừng lại cãi cố. Thậm chí đã có không ít ẩu đả xảy ra…
Chuyện tôi chia sẻ để bạn đọc hiểu một phần về văn hóa ứng xử cũng như ý thức chấp hành giao thông của người Đức với hy vọng: Giao thông của Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ vào ý thức người tham gia giao thông.
Trần Trọng Bình
Trần Trọng Bình
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment