1/6/16

11:17 PM - 1/6/16

Bị lừa mua vé giả, hàng trăm sinh viên Việt Nam tại Úc hoang mang

Hàng trăm sinh viên tại Sydney và Melbourne hoang mang tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Úc, sau khi bị lừa mua vé máy bay qua một tài khoản Facebook có tên là Vi Trần. Nghị viên thành phố Banktown, luật sư Toàn Nguyễn thuộc công ty luật LSP Lawyers đưa ra các lời khuyên pháp lý.


Người Việt lừa người Việt
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, từ khóa “Vi Trần” có lẽ là chủ đề nóng nhất và được quan tâm nhiều nhất trên các diễn đàn sinh viên Việt Nam tại Úc.
Hàng trăm du học sinh ở Úc đang hoang mang lo lắng, kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Úc vì đã đặt mua vé máy bay của đại lý có tên trên Facebook là Vi Tran, nhưng đã bị lỡ hành trình vì không có tên trên các chuyến bay.
Nói cách khác, các nạn nhân đã thanh toán tiền máy bay 100% từ rất lâu, nay đang chờ đợi ngày về quê ăn tết thì phát hiện ra vé mình không cánh mà bay.
Ngân Tử, một du học sinh tại Melbourne chia sẻ với SBS trong lúc ra trạm cảnh sát để khai báo: “Bạn em đã từng mua vé của Vi Trần nhiều lần rồi và giới thiệu em mua. Vé của chị đó rẻ hơn em mua trên mạng vài trăm”.
Trong khi đó Hải Chi, sinh viên tại Sydney không giấu được sự tức giận khi niềm tin đặt nhầm chỗ: “Vi Trần tạo dựng lòng tin rồi hốt cú chót, người Việt thì nhẹ dạ, tin tưởng nhau”.
Sự việc ngày càng nghiêm trọng , khi trên các diễn đàn của Hội sinh viên ở Úc, hàng trăm lượt thông tin phản hồi chia sẻ những trường hợp bị lừa tương tự.
“Bạn em ra sân bay thì biết vé không có giá trị, đành xách vali đi về”, Hải Chi chia sẻ.
Những bình luận với hashtag #ViTran là chủ đề nóng
Đang kỳ nghỉ hè, lại đúng dịp đón năm mới 2016 và Tết cổ truyền Bính thân, nhiều du học sinh ở Úc có nhu cầu mua vé về nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao hàng trăm sinh viên lại đặt hết niềm tin vào một tài khoản chuyên bán vé máy bay qua facebook.  Tài Nguyễn cũng như bao sinh viên khác đang mong chờ ngày trở về nhà nhưng rồi kinh hoàng nhận ra mình chỉ là một trong số 300 nạn nhân khác.
“Chị đó còn tặng vé business cho một người vì gửi vé trễ, rồi tặng thêm ký hành lý, làm ăn rất là uy tín để tạo dựng lòng tin”.
Việt Khoa, một sinh viên đã mua vé hai chiều của Vi Trần với giá hơn $1300, đang có mặt ở Việt Nam cũng hoang mang không biết vé của mình sẽ thế nào: “Vi Trần sử dụng hình thức marketing rất hiệu quả, truyền miệng, chịu lỗ lúc đầu để xây dựng niềm tin. Nhân dịp Tết thì gom một đợt lớn rồi bỏ chạy. Chắc cũng tầm 300 ngàn đô la”.
Vi Trần là ai?
Hội sinh viên tại Sydney VDS đã nhận được tới hơn 300 phản hồi vào sáng ngày 7/1. Con số này đủ cho thấy có biết bao người nhẹ dạ cả tin, đem hết tiền dành dụm cả năm về quê ăn tết cho một người phụ nữ mà họ còn chưa biết mặt.
Đằng sau cú lừa ngoạn mục này, theo nhiều bạn là một kế hoạch được tính toán rõ ràng, chi tiết, trục lợi trên niềm tin của người khác.
Giữa lúc nhiều người đang lo lắng và tìm kiếm cô gái Vi Trần không ai biết mặt, thì mọi nghi vấn đổ dồn về một người khác có tên là Trúc Lê, một người trước giờ được biết là đồng hội đồng thuyền với Vi Trần trong việc kinh doanh vé máy bay giá rẻ. Nhiều sinh viên dựa vào các manh mối trước đây đã từng liên lạc và nghi ngờ Trúc Lê hay Vi Trần chỉ là một người.
Nhiều người cho rằng Vi Trần chỉ giao vé máy bay trước 1-2 ngày, rất có thể cô đã mua các vé stand-by, được coi là những chiếc vé hàng tồn trước giờ bay nếu máy bay còn dư chỗ, hoặc loại vé do người khác hủy không đi được, thường được bán giá rẻ hơn bình thường để bán lại cho sinh viên.

Ngày về nhà còn xa xôi với những chiếc vé không có giá trị
Chiêu lừa lấy tiền của người này bù qua cho người kia để xoay vòng vốn, trì hoãn các chuyến bay của khác để săn tìm giá rẻ  của Vi Trần bị nhiều người phát hiện.
Cách nào để lấy lại tiền hoặc đòi quyền lợi
Luật sư Toàn Nguyễn, nghị viên của thành phố Bankstown, tư vấn luật pháp cho công ty luật "LSP Lawyers" ở Sydney chia sẻ các bước để đòi lại quyền lợi cho các bạn sinh viên.

  • Báo ngân hàng biết tài khoản và thời gian đã chuyển tiền. Khi một tài khoản bị báo cáo gian lận, lừa đảo, nhà bank sẽ mở cuộc điều tra. Giữ lại các chứng từ giao dịch để claim lại tiền.
  • Thông báo cho cảnh sát. Cảnh sát thường không điều tra các vụ lừa đảo nhỏ nhưng sẽ tham gia vào các vụ lừa đảo lớn có nhiều nạn nhân. Họ cũng đồng thời liên lạc với hệ thống police trên toàn tiểu bang.

  • Dù không phải công dân Úc, vẫn được cảnh sát và Fair Trading cũng như Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Úc CAV bảo vệ.

  • Mua vé qua hệ thống paypal và credit card sẽ có cơ hội nhận lại tiền cao hơn từ ngân hàng, thay vì hình thức direct transfer.
Những người bị mua vé của Vi Trần đều quá tin tưởng cô, đến nỗi trả hết tiền rồi mà chỉ có trong tay một tờ giấy không hề có chút giá trị nào, chỉ là reservation (giữ chỗ), chứ chưa phải là e-ticket. Khi chỗ ngồi chỉ mới được confirm (xác nhận) như vậy, họ có thể rút tên hành khách đó khỏi danh sách chuyến bay bất cứ lúc nào mà hãng máy bay cũng chẳng thể can thiệp, giúp đỡ gì được. 
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×