Tôi đang ở Việt Nam và có con (không đăng ký kết hôn) với 1 người mang quốc tịch Đức. Nay con trai tôi 3 tuổi và tôi muốn cháu được qua Đức sinh sống. Vậy tôi cần phải làm những thủ tục gì? Tôi có được phép sang Đức sống để chăm sóc con hay không?
* Trả lời:
Tại câu hỏi của bạn, bạn không nói rõ về việc bạn có mang quốc tịch Việt Nam hay không mà chỉ nói là bạn đang ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nội dung câu hỏi của bạn, chúng tôi ngầm hiểu rằng bạn đang mang quốc tịch Việt Nam. Do đó, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Việc bạn muốn đưa con trai sang Đức sinh sống phụ thuộc vào pháp luật của nơi tiếp nhận. Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi nghiên cứu, Bộ Luật Nhập cư Đức 2005 quy định người nước ngoài được phép cư trú tại Đức theo diện đoàn tụ gia đình (vợ chồng, con) sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về xuất nhập cảnh và xin cấp Giấy lưu trú tại Đức. Thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh bạn có thể tham khảo thêm tại các câu trả lời trước của chúng tôi trên trang Quê Hương Online.
Tuy nhiên, vì bạn chưa có đăng ký kết hôn với người mang Quốc tịch Đức, do đó việc con bạn có được sang Đức sinh sống hay không phụ thuộc vào việc:
· Con bạn có giấy tờ chứng minh quan hệ cha con giữa con bạn và cha đứa trẻ hay không (Giấy khai sinh có ghi tên cha là người mang quốc tịch Đức này, Văn bản nhận con của người mang quốc tịch Đức ….), và
· Người mang quốc tịch Đức có đáp ứng điều kiện bảo lãnh người thân sang Đức theo diện đoàn tụ hay không.
1. Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con
Trong trường hợp bạn không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh việc này:
- Bạn cần làm thủ tục đăng ký nhận cha cho con hoặc
- Cha đứa trẻ (người mang quốc tịch Đức) cần làm thủ tục đăng ký nhận con.
Kết quả của thủ tục này là Quyết định công nhận cha con do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp.
Về hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký việc nhận cha, con (theo mẫu quy định).
- Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).
- Bản sao Giấy khai sinh của con bạn.
- Căn cứ chứng minh quan hệ cha, con (nếu có).
- Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), bản sao Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, con.
(Điều 20 Nghị định 24/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (“Nghị định 24/2013”)
Hồ sơ nộp tại: Sở tư pháp nơi thường trú của con bạn (trường hợp chưa đăng ký thường trú và có nơi tạm trú thì có thể nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú của con bạn) (Điều 19 Nghị định 24/2013)
Thời hạn giải quyết: không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí. Thời hạn này có thể kéo dài thêm 10 ngày nếu cần xác minh. (Điều 21 Nghị định 24/2013)
Lưu ý: Người nộp đơn yêu cầu phải nộp trực tiếp tại Sở tư pháp. Do đó, bạn cần cân nhắc về việc bạn hay là người mang quốc tịch Đức sẽ thực hiện thủ tục này. (Khoản 2 Điều 20 Nghị định 24/2013)
Bạn cần liên hệ với Sở tư pháp có thẩm quyền để nắm rõ về thủ tục.
2. Điều kiện để bảo lãnh người thân sang Đức
Để bảo lãnh người thân (vợ, con) sang Đức, người mang quốc tịch Đức phải đáp ứng các điều kiện về thu nhập (tài chính), nhà ở, và cư trú tại Đức. Điều kiện này phụ thuộc vào quy định cụ thể tại bên Đức. Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin về điều kiện bảo lãnh tại Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền tại Đức. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm 2 đường link chúng tôi cung cấp tại Mục 3 dưới đây.
3. Về việc bạn có thể sang Đức sống để chăm sóc con hay không
Theo quy định về nhập cảnh của Đức, để có thể nhập cư vào nước Đức bạn phải thực hiện các thủ tục để xin được thị thực vào Đức. Thị thực có nhiều loại: visa du lịch, du học, làm việc, đoàn tụ gia đình…
Để bảo vệ quyền lợi của bạn, theo chúng tôi, về lâu dài bạn nên tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn với người có quốc tịch Đức. Sau đó người này sẽ bảo lãnh bạn cùng con bạn sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình tại Đức. Khi đó bạn có thể ở lại Đức lâu dài để chăm sóc con.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment