8/12/16

5:05 AM - 8/12/16

Tranh cãi về việc quân đội Đức tuần tra trên đường phố

Binh sĩ được "trang bị vũ khí tận răng" là hình ảnh thường thấy ở Paris sau khi Pháp bị “thương nặng” bởi các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vừa qua. Nhưng ở quốc gia láng giềng Đức thì ý tưởng điều động quân đội tuần tra trên đường phố đã gây ra tranh luận với nhiều cung bậc cảm xúc.

Ảnh: DPA

Đối với nhiều người Đức, chính Bộ trưởng Quốc phòng nước này, bà Ursula von der Leyen là người đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh khi yêu cầu binh sĩ chỉ trực chiến trong tình huống một thanh niên 18 tuổi điên cuồng nổ súng tại trung tâm thương mại ở Munich ngày 24/7 khiến 9 người thiệt. Với huống khẩn cấp này, các binh sĩ không hề hành động mà chỉ chờ đợi mệnh lệnh.

Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố khác xảy ra liên tiếp sau đó tại Đức, trong đó có 2 vụ do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm, thì Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định đề xuất kế hoạch 9 điểm đẩy mạnh an ninh bao gồm huấn luyện quân đội sẵn sàng hành động đối phó với các cuộc tấn công khủng bố.

Bà Von der Leyen nhanh chóng không để tuột mất cơ hội và Bộ quốc phòng Đức cũng ngay lập tức khẳng định quân đội và cảnh sát nước này đang chuẩn bị cho các buổi huấn luyện chung.

Nhưng khả năng về việc quân đội tuần tra trên đường phố lần đầu tiên sau 7 thập niên đã tạo ra tranh cãi lớn cho đất nước vẫn còn “tổn thương lòng tự trọng” sau quá khứ liên quan tới phát xít.

Trong thời gian từ năm 1933-1945, ranh giới mờ nhạt giữa quân đội và cảnh sát tại Đức đã tạo cơ hội cho chính phủ của trùm phát xít Adolf Hitler hành quyết, bắt bớ người Do Thái, người đồng tính và bất cứ ai bị coi là “kẻ thù của chính quyền”. Do đó, hiến pháp Đức trong thời kỳ hậu chiến đã vạch ra đường biên rõ ràng giữa lực lượng an ninh nội địa và quốc phòng. 

Theo đó, lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) bị cấm triển khai trên đường phố, trừ một số tình huống đặc biệt bao gồm cứu hộ nhân đạo khi xảy ra thảm họa thiên nhiên hoặc tình huống khẩn cấp đe dọa tới “trật tự dân chủ tự do của liên bang Đức”.



Cảnh sát Đức gác tại trung tâm thương mại Olympia ngày 23/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tranh cãi về vai trò nội địa của quân đội Đức đã từng gây xôn xao một vài lần, hầu hết vào thời điểm gần đây sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble- người từng giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định rằng binh sĩ quân đội nên được huy động để hỗ trợ sức mạnh cho lực lượng cảnh sát trong trường hợp Đức bị tấn công khủng bố.

Tuy nhiên, người dân Đức lại tỏ ra hoài nghi. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tạp chí Die Zeit cho kết quả 66% dân số Đức cho rằng việc triển khai quân đội trên đường phố không phải là ý kiến hay.

Chính lực lượng cảnh sát cũng không mấy hào hứng với ý tưởng này. Người đứng đầu liên đoàn cảnh sát Đức Oliver Malchow cho biết: “Chúng tôi chỉ cần các nhân viên điều tra và cảnh sát được đào tạo phù hợp”.

Nhưng Klaus Bouillon, người đứng đầu Bộ nội vụ bang miền Tây Klaus Bouillon lại cảnh báo về viễn cảnh trong trường hợp khẩn cấp cảnh sát bị đẩy đến giới hạn còn lực lượng quân đội chỉ có thể đứng ở ngoài rìa mà bất lực theo dõi.

Christian Moelling, một chuyên gia an ninh quốc phòng tại Quỹ Marshall Đức cho biể cần phải có thêm thảo luận về vấn đề này và ông cũng bổ sung rằng Đức đã khá may mắn trong những năm gần đây bởi nước này là mục tiêu tấn công của những kẻ khủng bố nhưng nhiều âm mưu đã được kịp thời ngăn chặn.
nuocduc.org / Nước Đức (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục

No comments:

Post a Comment

Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×