9/15/16

Bệnh nhân Zika thứ 4 ở Việt Nam là một người Đức

Bộ Y tế Việt Nam chiều 15/9 thông báo người Đức này sống tại TP HCM, được phát hiện mắc Zika khi đi du lịch ở Nhật và ghi nhận là ca bệnh thứ 11 của nước này.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trước đó thông tin từ phía Nhật Bản cho thấy ca Zika thứ 11 là người Việt Nam du lịch đến Nhật, song thực chất là công dân Đức. Bộ Y tế Việt Nam đã tìm hiểu và xác định người Đức này đang làm việc tại quận 2, TP HCM. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và trở về Việt Nam.


Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tăng cường các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại khu vực bệnh nhân sinh sống. Các địa phương cũng được khuyến cáo tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Việt Nam đã ghi nhận 3 ca nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa, TP HCM và Phú Yên. Như vậy người Đức này là bệnh nhân Zika thứ 4 ở Việt Nam.

Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền, ngoài ra có thể truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm virus và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cũng như hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy): Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất.

- Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

- Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi.

9/14/16

Độc đáo quán cà phê lộn ngược ở Đức

Một quán cà phê ở Đức đang trở thành "ngôi sao" mạng xã hội nhờ sự đặc biệt đến vô lý: mọi thứ ở đây đều lộn ngược.

Quán cà phê Toppel tại Wertheim mở cửa đầu năm và nhanh chóng trở thành điểm hút khách du lịch, những người không thể tin được rằng mình sẽ có cơ hội "chổng vó lên trời" khi vào đây. 


Từ phía ngoài, quán cà phê đã gây chú ý với kiểu dáng nằm lộn ngược, mái nhà ở dưới đất còn thân nhà hướng lên trên. Một chiếc xe hơi thông thường đậu bên nhà cũng nằm xoay 180 độ trên cao. Ngôi nhà cũng như quán cà phê thuộc về một gia đình tưởng tượng có tên gọi là Toppel và những món đồ đặc biệt của họ được bày khắp căn nhà.


Trong phòng tắm, bồn rửa, bồn vệ sinh, bồn tắm đều lộn ngược, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội chụp ảnh đầu cắm vào bồn cầu. Trong nhà bếp, bữa ăn cũng được bày ra trên bàn, treo trên trần nhà. Tại phòng ngủ của một đứa trẻ, bộ xe đua cũng được treo ngược.



Việc bố trí các phòng như vậy sẽ tạo ra hiệu quả đặc biệt cho du khách tới chụp ảnh. Mặc dù họ đứng trên mặt đất, nhưng chỉ cần xoay ảnh lại 180 độ, bất cứ ai cũng hiểu nhầm họ đang đứng trên trần nhà.

Những bức ảnh thú vị như vậy hẳn nhiên khiến khách hàng tới quánToppel vô cùng thích thú và nhanh chóng gây ra cơn bão trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, giúp tên tuổi của quán càng bay xa.


Cảm giác như du khách đang đứng ở trên trần nhà.

Nhờ mọi vật được treo trên trần nhà, khi bạn đứng dưới nền nhà chụp ảnh và xoay ngược lại, 
tạo ấn tượng thị giác đặc biệt.

9/13/16

Radebeul-Thành phố triệu phú trên đồi nho thơm ngát

Là một huyện lớn của bang Sachsen, nằm ngay trên thung lũng sông Elbe và giữa vùng rượu vang của Đức, Radebeul nổi tiếng không chỉ với rượu vang mà là những căn biệt thự triệu đô xinh đẹp...

Vườn nho Radebeul - Ảnh: Mai Vinh

Với một địa hình tương đối thuận lợi khi nằm giữa dòng sông Elbe ở phía nam và những đồi nho ở phía bắc, Radebeul được mệnh danh là khu ở của rất nhiều người giàu. Cái sự tương phản giữa giàu và nghèo ở đây có thể thấy rõ rệt ngay trên con đường Meißnerstraße dài 8km.

Biệt thự triệu phú

Nếu hỏi người dân ở đây rằng họ sống ở nửa trên hay nửa dưới của con đường Meißnerstraße là đã có thể biết được họ thuộc tầng lớp nào. Nửa trên có nghĩa là giàu có, là thuộc tầng lớp thượng lưu, có rượu vang và biệt thự. Nửa dưới là những siêu thị, các ngành công nghiệp và dân thường.

Một người hiểu biết ở đây nói một biệt thự ở nửa trên con đường Meißnerstraße giá khoảng 1-4 triệu euro. Giá đó rẻ hơn từ hai đến ba lần ở Hamburg hay München, nên đến Radebeul người ta dễ dàng biến ước mơ “biệt thự, xe Porsche” thành hiện thực hơn.

Những năm đầu thập niên 1990 khi sếp tôi về Dresden lập nghiệp và thành lập công ty, bà nói không chỉ Dresden mà Radebeul lúc đó chẳng có gì. Thành phố lúc nào cũng xám xịt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và "những kẻ tự nhiên về Đông Đức lập nghiệp với nhiều người vẫn là những kẻ khùng".

Những khu biệt thự khi đó ở Radebeul ít ai quan tâm vì chúng cũng có phần bị đổ nát, nhưng những năm sau đó khi thị trường bất động sản bùng nổ ở phía đông do giá thấp thì người ta bắt đầu đổ xô vào xây dựng.

Cung điện Wackerbarth - Ảnh: Hoàng Yến Anh

Tôi bắt đầu tò mò về Radebeul sau khi nghe những lời kể của sếp tôi và lên mạng tìm hiểu thêm về mảnh đất này, nơi mà mọi người vẫn hay gọi là "thành phố triệu phú".

Theo một bài báo trên tờ Die Zeit năm 2009, có khoảng 250 triệu phú sống ở đây, nhưng người ta không biết con số này từ đâu ra, trong khi thống kê theo thuế thu nhập thì chỉ có hơn 40 người kiếm được hơn một phần tư triệu euro một năm.

Có rất nhiều biệt thự mà ngày nay trị giá hàng triệu euro và họ chính là tài sản làm nên sự nổi tiếng của Radebeul hay còn gọi là những người cai trị thầm lặng của thành phố. Nhiều người vì ước mơ muốn sở hữu một biệt thự nên họ cũng sẵn sàng bỏ ra cả nửa triệu euro để xây dựng lại những biệt thự cũ nằm ở nửa dưới con đường Meißnertraße mặc cho khu vực này còn lâu nữa mới sánh bằng nửa trên Meißnerstraße.

Đối với họ, khu vực nào không còn quan trọng nữa, quan trọng là họ được sống trong một biệt thự và chất lượng cuộc sống đối với họ là quan trọng hơn cả.

Vượt qua 300 bậc thang này sẽ được ngắm khung cảnh tuyệt vời - Ảnh H.Y.A

Nho và cung điện

Nhưng Radebeul đâu chỉ có biệt thự mà còn là những cung điện, những ruộng nho ngát xanh. Ở cung điện Hoflößnitz, sau khi leo lên gần 300 bậc thang, mà người ở đây hay gọi là “cầu thang lên trời”, chúng tôi được ngắm Radebeul khi hoàng hôn buông xuống.

Dọc cái cầu thang lên trời là những cánh đồng nho xanh ngắt, lấp ló xung quanh là những biệt thự nằm ẩn mình, là những quán rượu vang nho nhỏ. Chao ôi, đẹp đến lạ kỳ...

Nhưng có tới cung điện Wackerbarth thăm khu sản xuất rượu vang nổi tiếng ở đây, bạn mới thật sự choáng ngợp vì sự kỳ công trong việc sản xuất thức uống làm say bao người này.

Xuống dưới hầm, nơi chứa rất nhiều thùng rượu vang, người giới thiệu kể một tập tục lạ ở đây rằng những người sản xuất rượu vang không bao giờ được đập vào thùng rượu vì đó là lệ làng, và nếu bị phát hiện thì lãnh đạo có quyền đuổi việc ngay mà không cần cảnh cáo.

Chia tay đoàn chúng tôi ở trước khu vườn nho ngay trong cung điện mà còn có quá nhiều câu hỏi chưa kịp hỏi hết, tự nhiên tôi bật thốt: “Lạy Chúa, có nằm mơ con cũng không nghĩ đến một ngày con lại muốn tìm hiểu về các loại rượu vang một cách tinh tường đến thế”.

Thư giãn trong không gian cung điện Wackerbarth - Ảnh: H.Y.A.

Thế mới biết có những điều khi còn trẻ ta cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ ta quan tâm, nhưng khi có một động lực nào đó, khi đặt chân đến một miền đất nào đó, tự nhiên lòng tham về sự hiểu biết lại trỗi dậy và đến giờ tôi vẫn thấy tiếc vì những điều mình muốn biết mà chưa kịp biết hết.

Nắng cuối ngày rớt trên những ngọn đồi, những lá nho thỉnh thoảng lại rung lên theo điệu nhạc. Chúng tôi ngồi trước khoảng sân trong cung điện Wackerbarth nhâm nhi ly rượu vang trắng và nghe những bản nhạc sống vang lên, thấy đời thi vị và ngọt ngào, hệt như ngụm rượu vang tôi vừa đưa lên miệng cách đây năm giây.

Tôi nhắm khẽ đôi mắt và ngước mặt lên trời, để nắng rọi thẳng vào gương mặt và hít thật sâu cái mùi nho ngay sau phía lưng mình... Tôi chẳng muốn đứng dậy, mặc cho Carina vừa lật cuốn sách du lịch về Dresden, vừa thủ thỉ vào tai tôi: “Trong sách nói các biệt thự đẹp nhất của Radebeul nằm phía cuối con đường Weinbergstraße đấy nàng ạ. Chúng ta có nên đến đó bây giờ không?” nhưng tôi đã lắc đầu.

Tôi chẳng muốn đi đâu trong khoảnh khắc này, tôi chỉ muốn bình yên tận hưởng và uống hết ly rượu vang đến khi nắng chiều tắt hẳn phía sau lưng đồi mà thôi...

HOÀNG YẾN ANH

Đức bắt 3 người nghi là phiến quân IS

Ngày 13/9, cảnh sát Đức đã bắt ba người đàn ông nghi là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) có liên quan đến những kẻ từng tấn công khủng bố thủ đô Paris, Pháp.

Cảnh sát đặc nhiệm Đức áp giải một người Syria nghi là phiến quân Nhà nước Hồi giáo ngày 13/9. Ảnh: Reuters.

Hơn 200 cảnh sát đặc nhiệm Đức sáng sớm nay mở chiến dịch ở bang miền bắc Schleswig-Holstein bắt ba người nghi âm mưu tấn công hoặc đang chờ lệnh tấn công. Ba nghi phạm gồm Mahir al-H., 17 tuổi, Ibrahim M., 18 tuổi, và Mohamed A., 26 tuổi.

Nhóm nghi phạm rời Syria hồi tháng 10, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Đức vào giữa tháng 11 năm ngoái. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói ba người này sử dụng cùng mạng lưới buôn người với những tay súng IS tấn công khủng bố Paris, Pháp, làm 130 người thiệt mạng tháng 11/2015.

Mahir al-H gia nhập IS tại Raqqa, Syria, vào tháng 9/2015 và được huấn luyện dùng một số vũ khí, chất nổ. Chúng tới châu Âu để trao đổi với một phiến quân IS, kẻ "chịu trách nhiệm ra nhiệm vụ và tấn công" bên ngoài Iraq, Syria. IS cấp cho ba nghi phạm điện thoại di động, hàng nghìn USD cùng hộ chiếu giả.

Cảnh sát Đức đã theo dõi ba nghi phạm, nghe lén điện thoại chúng suốt nhiều tháng. Lệnh bắt người được một thẩm phán liên bang phát đi ngày 7/9.

Sinh hoạt trong kí túc xá tại Đức


Môi trường sinh hoạt trong kí túc xá tại Đức có những đặc điểm gì? Cuộc sống của một sinh viên tại kí túc xá như thế nào?

Để giúp các bạn hiểu hơn về đời sống của sinh viên với môi trường sinh hoạt trong kí túc xá tại Đức, Nuocduc,́org gíới thiệu cho các bạn một số điểm chung như sau:


Phí sinh hoạt và học tập ở Berlin so với những thành phố khác là tương đối phải chăng. Ví dụ để học tại trường ĐH Kinh tế & Luật bạn sẽ trả 250 euro cho mỗi học kỳ. Trong đó đã bao gồm cả tiền vé các phương tiện công cộng để bạn có thể đi lại trong thành phố mà không phải trả thêm phí, ngoài ra nó còn bao gồm cả phí đóng góp và phí quản lí dành cho trường ĐH.

Có tất cả 36 khu kí túc xá dành cho sinh viên được xây dựng trong 14 khu nội thành và vùng lân cận. Tất cả các sinh viên thuộc các trường ĐH đều được phép thuê nhà tại đây với giá đã được ưu đãi dành cho sinh viên. Một phòng giá rẻ dành cho sinh viên có diện tích khoảng 15m2 sẽ có giá dao động khoảng 200 Euro/tháng.

Trong khu kí túc xá tại Đức, sinh viên sẽ có phòng ăn chung, khu vườn rộng, cũng như phòng giặt đồ có trang bị máy giặt. Để sử dụng máy giặt bạn cần có sẵn tiền xu khoảng 2 euro cho 1 lần giặt.
Có 12 nhà ăn lớn của các trường đại học (gọi là Mensa) tại Berlin, hoạt động dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội sinh viên quốc tế (Studentenwerk), cũng như 28 quán ăn tự phục vụ. Các quán ăn, nhà ăn nằm ở vị trí rất thuận tiện, tại vùng lân cận của các trường đại học và cao đẳng.

Các nhà ăn chuyên phục vụ các bữa ăn nóng, thường có 3-4 món cho bữa ăn chính. Súp, xà lách và món ăn tráng miệng cũng được cung cấp, cũng như các món ăn có lợi cho sức khỏe, các thực phẩm hữu cơ khác nhau, bao gồm cả thức ăn cho người ăn chay. Các quán ăn tự phục vụ cung cấp bánh mì, đồ ăn nhẹ và cà phê cũng như một số đồ ăn nóng sốt. Bất kỳ ai cũng có thể ăn ở nhà ăn và quán ăn tự phục vụ, cho dù họ có phải là sinh viên hay không, nhưng với sinh viên thì giá phải trả sẽ rẻ hơn rất nhiều . Đến đây, bạn sẽ thấy rằng sinh viên, giáo sư và thậm chí cả doanh nhân cũng ăn tại các nhà ăn, một số nhà ăn phục vụ lên tới 4.000 người mỗi ngày.


Bạn phải thanh toán bằng thẻ MensaCard. MensaCard được mua với giá khoảng 2.50 € tại các nhà ăn và quán ăn tự phục vụ. Mỗi thẻ có một mã xác thực, có thể nạp tiền vào thẻ bằng cách sử dụng các máy điện tử đặt tại mỗi quán ăn và quán cà phê. Khi bạn thanh toán cho bữa ăn của mình, nếu mã xác thực của bạn hiện lên là sinh viên của các trường đại học cao đẳng ở Berlin thì bạn sẽ có được giá sinh viên. Đến với các nhà ăn với hơn 400 đội ngũ nhân viên, bạn sẽ có một bữa ăn ngon miệng, giá cả hợp lý. Đây là nơi mà các sinh viên thư giãn giữa các bài giảng, gặp gỡ bạn bè và ngồi ăn cùng nhau, uống cà phê, tìm hiểu để hiểu nhau nhiều hơn. Chất lượng là điểm mà các nhà ăn đặt lên hàng đầu.

Còn rất nhiều điều thú vị về môi trường học tập và sinh hoạt tại nước Đức xinh đẹp

Nguồn: Theo Amec

9/12/16

Khó khăn và thử thách trên con đường du học Đức

Đi du học không phải là con đường bằng phẳng và nước Đức thì không phải là thiên đường. Bản thân các bạn sinh viên cũng như phụ huynh cũng không lường trước được những khó khăn mà du học sinh sẽ được trải nghiệm.


Bố mẹ chỉ có một mong ước duy nhất lo cho mấy chục ngàn đưa nó sang Đức và sang đó nó học xong, kiếm việc làm, định cư và đón mình sang chơi. Cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép. Cuộc đời kiếm tiền vất vả nhưng sẵn sàng tiêu tiền mà không biết chọn trường nào, ở đâu miễn sang Đức là được. Cuộc sống du học ở Đức đầy những khó khăn và thử thách:

1.Các kỳ thi

Đi du học có nghĩa là phải học và đối diện với các kỳ thi: kỳ thi tiếng, thi vào dự bị, thi tốt nghiệp v.v…mà thi thì sẽ có đỗ, có trượt, có thi lại. Người giỏi không phải là người thi cái gì cũng qua, không phải thi lại bao giờ mà người giỏi và được coi là thành công là người thất bại mà không nản, vấp ngã mà biết đứng dậy và chưa bao giờ biết bỏ cuộc.


–Rủi ro nếu không thi được DSH hay vào dự bị được: bạn có 2 năm để vượt qua thử thách này. Hậu quả nếu không đạt được là có thể bạn phải trở về VN

–Rủi ro khi đã là sinh viên Đại học: dễ bị Ex ra khỏi ngành của mình (Exmatrikulation) nếu không vượt qua kỳ thi đại cương hay một môn nào 3 lần không qua. Hậu quả là bạn không được phép học ngành đó nữa dù ở bất cứ trường nào trên nước Đức, bạn sẽ phải đổi ngành khác và phải làm lại từ đầu, và như vậy là tốn kém, mất thời gian, rắc rối với sở ngoại kiều, mệt mỏi, stress v.v..

Mình may mắn thi ngay được DSH trong vòng học kỳ đầu tiên, còn khi học mình cũng có gặp khó khăn với kỳ thi đại cương nhưng may mắn là vượt qua

2.Với vấn đề tiền bạc chi phí:

Tuy không phải mất học phí học dự bị và đại học nhưng bạn sẽ mất tiền học tiếng (nếu vẫn còn phải học tiếng để thi vào đại học), tiền nhà, tiền bảo hiểm, ăn uống đi lại v.v…Nhà bạn nào giàu thì gánh được hoặc có người bảo lãnh chi phi cuộc sống ở Đức cho thì miễn bàn.

3.Về việc làm thêm:

tiền kiếm được khi đi làm thêm chỉ trợ tiền tiêu vặt nếu công việc của bạn chỉ là những công việc tranh thủ chớp thời gian, công việc cuối tuần hay mini-job 450 euro Basis. Như vậy sẽ không đủ chi trả tất cả chi phí của cuộc sống.


Nếu bạn có được hợp đồng công việc làm 20 tiếng mỗi tuần trong học kỳ và đến 40 tiếng trong kỳ nghỉ, mức lương từ 600 euro/tháng thì bạn có thể trang trải được cuộc sống nhưng rủi ro là có thể bị ảnh hưởng đến việc học, vì những kỳ thi quan trọng mà bạn không thể đi làm được hoặc rủi ro nữa là bạn chưa chắc sẽ có thể liên tục xin được công việc như vậy trong suốt thời gian học, bạn có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc, bị sa thải v.v…

Mình khó khăn lúc ban đầu với 2 bàn tay trắng, nhưng sau này may mắn có chồng làm chỗ dựa, tuy nhiên mình cũng đã xin được việc làm Werkstudent 20 tiếng/tuần và nhận được hợp đồng liên tục trong suốt thời gian học. Với số tiền kiếm được mình tính là đủ trang trải được cuộc sống của một sinh viên du học độc thân, giống như hồi mới sang Đức mình cũng chỉ làm những công việc mini tranh thủ và tiết kiệm hạn chế chi tiêu tối đa mà mình còn trụ được.

4.Áp lực Visum:

Nếu bạn không thuộc diện đã được phép định cư ở Đức vĩnh viễn thì bất cứ du học sinh nào cũng phải cần gia hạn Visum. Cứ khoảng 1- 2 năm bạn sẽ phải gia hạn một lần, bạn lại cần đến tiền chứng minh tài chính (nếu không có người bảo lãnh). Nhiều bạn bè của mình cứ mỗi lần đến kỳ phải đi gia hạn đều đi vay mỗi người một ít để gia hạn, sau đó rút ra dần để trả nợ.

Việc đổi ngành hay phải đổi ngành do bị EX cũng có giới hạn nhất định. Nếu quá mức cũng sẽ bị về nước. Cả việc không được phép học kéo dài quá nhiều so với kỳ học quy định cũng bị áp lực với sở ngoại kiều, càng kéo dài việc học thì áp lực tiền bạc cũng sẽ càng lơn. Áp lực không ra được trường chỉ vì một môn thôi cũng khiến bạn mệt mỏi.

5.Áp lực sau khi ra được trường:


Bạn tốt nghiệp được là một điều thành công to lớn nhưng bạn sẽ lại đối mặt với việc tìm việc: bạn tốt nghiệp với tầm bằng giỏi hay bằng kém nó ko phải điều quan trọng nhiều (tuỳ ngành bạn học), việc bạn xin được việc đúng ngành phụ thuộc vào kinh nghiệm những công việc làm thêm trong thời gian học, khả năng tiếng và nhiều kỹ năng khác ngoài trình độ chuyên môn. Bạn được phép trong vòng 18 tháng để xin việc đúng ngành. Nếu bạn xin được việc thì tất nhiên hạnh phúc nào bằng, công sức vất vả và áp lực bao lâu được bù đắp. Nhưng nếu không tìm được việc đúng ngành nhiều bạn sẽ chọn học tiếp lên để kéo dài thời gian xin việc và bạn lại rơi vào cái vòng tròn của những áp lực mà bạn đã muốn thoát: Tiền, thi cử v.v.. (không tính đến những người có trí lớn muốn học tiếp :D)

Cái này đúng là đầy chông gai 

6.Sự tổn thương của giá trị bản thân:

Selbstwertgefühl (cảm giác giá trị bản thân) của bạn sẽ bị tổn thương không ít trên con đường du học. Đó là một trong những phản ứng sốc văn hoá điển hình: bạn dễ bị tổn thương ngay từ đầu khi mà phải bắt đầu kiếm tiền bằng những công việc chân tay: rửa bát, dọn nhà vệ sinh v.v…sự tổn thương càng lớn nếu ở VN bạn là người đã có vị trí xã hội trong khi ở Đức bạn chỉ là con số không và phải làm lại tất cả từ đầu. Ngay cả việc bạn đã hoàn thành chương trình học ở Đức nhưng phải đi làm những công việc không xứng với trình độ năng lực của mình, cái cảm giác đó nó giống như ở VN bạn học xong đại học phải đi làm xe ôm vậy.

Tóm lại đi du học bạn sẽ đối diện với những nỗi niềm cả về vật chất lẫn tinh thần. Du học là cần trang bị cho mình ngoài trình độ tiếng, mục đích, kế hoạch rõ ràng thì cần có cả tinh thần thép nữa. Sinh viên du học vẫn gọi đùa là cuộc hành trình vinh quang mà đầy đau khổ…

Du học là rất vất vả nhưng người Việt vốn có tinh thần hiếu học và người tài giỏi, thành đạt ở nước Đức rất nhiều. Tuy nhiên nhìn mặt bằng chung thì năng lực của đa số các bạn trẻ còn yếu, việc muốn đi du học nên phải thận trọng quyết định chọn lựa con đường đi. Xác định đúng năng lực của mình sẽ giúp gạt bỏ những chướng ngại vật không cần thiết. Đừng cố đâm lao rồi không làm được, học thì ít mà du thì nhiều. Hiện nay nước Đức mở cơ hội học nghề nên con đường học nghề có lẽ là con đường phù hợp với năng lực của người Việt hiện nay nhất.

Nguồn: Hotrosv.de

10 điều bạn nên trải nghiệm khi là du học sinh ở Đức (phần 1)

Du học không chỉ là đi nước ngoài để học kiến thức, mà còn là khám phá những điều đặc biệt ở đất nước mà bạn đang sống và học tập. Nước Đức là một đất nước đặc biệt mà bạn nên khám phá khi bạn đến và có 10 điều bạn nên trải nghiệm khi du học Đức

1- Đi dạo qua cổng Brandenburg ở Berlin.


Được thiết kế bởi kiến trúc sư Carl Gotthard Langhans và được xây dựng từ năm 1788 đến 1791 dưới thời vua Friedrich Wilhelm II như một biểu tượng của hòa bình. Từ sau khi nước Đức thống nhất năm 1989, Cổng Brandenburg cũng là biểu tượng của tự do và thống nhất.

Cổng Brandenburg nằm ở quận Trung tâm (Bezirk Mitte) của Berlin, giữa Pariser Platz và Platz des 18. Cách cổng Brandenburg một khúc phố về phía bắc là Reichstag nơi Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức nhóm họp. Cổng này là trọng tâm của đại lộ Unter den Linden, con đường trứ danh với hàng cây đoạn lá bạc (Tilia tomentosa) nối liền hoàng cung và cổng Bradenburg.\

2- Nhâm nhi rượu nho Riesling bên bờ sông Rhine


Rượu nho Riesling là loại rượu được chế biến từ loại nho cùng tên Riesling. Rượu nho Riesling nổi tiếng với độ trong suốt về màu sắc, sự cân bằng trong hương vị và độ ngọt vừa phải. Loại rượu này một trong những loại rượu chất lượng hàng đầu ở Đức.

Hãy lên một chuyến tàu đi dọc sông Rhine, chuyến tàu sẽ giúp bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn nho, những nhà thờ cổ ở thung lũng Rhine, khám phá những nét quyến rũ của dòng sông Rhine thơ mộng và trong chuyến đi, hãy nhâm nhi một ly rượu nho Riesling ngon tuyệt. Chắc chắn đó là một trải nghiệm khó quên khi bạn du học Đức.

3-Khám phá những câu chuyện cổ tích lâu đài Neuschwanstein, Fussen


Nếu bạn là một kẻ mơ mộng và yêu những bộ phim hoạt hình của Disney, thì lâu đài Neuschwanstein ở Fussen miền nam nước Đức là nơi bạn không thể bỏ qua khi bạn du học Đức. Ngay khi bạn nhìn thấy lâu đài, bạn sẽ có cảm giác như đứng trước một lâu đài trong chuyện cổ tích hay phim hoạt hình của Disney vì lâu đài là nguồn cảm hứng để hãng phim hoạt hình nổi tiếng này tạo nên những lâu đài tuyệt đẹp trong những bộ phim hoạt hình

4- Thưởng thức bia Kolsch ở Cologne


Bia Kolsch là một loại bia nhẹ được phục vụ khắp thành phố Cologne. Ở Cologne, mọi người nói rằng, khi bạn đã thưởng thức loại bia này, bạn sẽ tiếp tục uống đến tối vì hương vị hấp dẫn khó có thể cưỡng lại.

5-Khám phá khu rừng đen- Black Forest


Đi dọc biên giới tây- nam nước Đức đến bờ hồ Bodensee (Constance) nơi nước Đức tiếp giáp với nước Áo. Khu rừng Schwarzwald hay khu rừng đen là một trong những cảnh đẹp tuyệt vời bạn không thể bỏ qua. Những ngọn núi được phủ bởi rừng thông xanh mát, những con suối nhỏ chảy róc rách và không khí mát mẻ, trong lành.

Nếu tất cả những điều đó là chưa đủ với bạn thì bạn cũng có thể thỏa mãn khẩu vị của mình bằng một miếng bánh gato Black Forest. Một trong những loại bánh ngon và nổi tiếng nhất ở Đức được sản xuất ở đây.

Bamberg: Cậu bé 12 tuổi tự lái xe 160km thăm ông bà

Một bé trai 12 tuổi đã âm thầm lấy xe của ba mẹ và tự lái một quãng đường dài hơn 160km để tới thăm ông bà.


Nguồn tin của truyền thông Đức cho hay, bố mẹ của cậu bé 12 tuổi mới đây phải cầu cứu tới cơ quan cảnh sát thị trấn Limbach-Oberfrohna thuộc bang Sachsen khi chiếc ô tô của gia đình cùng cậu con trai bất ngờ bị biến mất.

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc tìm kiếm, cơ quan chức năng xác định được vị trí của chiếc xe nằm ở thị trấn Bamberg, bang Bayern. Đây chính là địa điểm của gia đình ông bà của cậu bé.

Lần theo lộ trình của chiếc xe, cảnh sát cho biết cậu bé này đã bất chấp nguy hiểm và chạy xe trên tuyến đường cao tốc Autobahn, một tuyến đường nổi tiếng là không giới hạn về tốc độ ở Đức.

Điều may mắn là cậu bé đã tới nhà ông bà một cách an toàn và sau đó ngủ lại nhà ông bà một đêm. Trong chuyến đi này, cậu bé đã rủ một người bạn 13 tuổi đi cùng.

“May mắn là không có chuyện gì xảy ra. Việc lái xe đối với với một đứa trẻ là rất khó khăn bởi cậu bé phải xoay xở với động cơ, với ổ đĩa, đặc biệt là khi một mình lái xe tới gần 200 km”, Oliver Wurdak, người phát ngôn cơ quan cảnh sát phát biểu trên tờ The Local.

Theo luật pháp ở Đức, vị thành niên từ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, cậu bé mới 12 tuổi nên không phải đối mặt với bất cứ hình thức xử phạt nào.

9/11/16

Chuyện đi lại ở Đức

Trong chục ngày ở Đức, chúng tôi chỉ sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ đây lại là cơ hội để tìm hiểu và khám phá một cách thật, sống động nhất.

Đường xá ở đây cũng có đường to đường nhỏ, đường tốt đường xấu nhưng có một điểm chung là xe vẫn được chạy rất nhanh. Có cảm giác như tài xế lên xe là dí tẹt ga. Tốc độ đi trong thành phố có khi lên tới 100km/h. Sở dĩ họ đi được nhanh như vậy là vì phần lớn đường 1 chiều. Và quan trọng hơn là xe đi đúng làn, tuyệt đối không lấn làn và không có ai băng qua đường trái luật.

Vũ, một bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Đức hiện đang làm quản lý dự án (Project Manager) cho KAS Việt Nam đã có lần phải khua tay và hét toáng lên khi thấy hai bác nhà báo già nhà ta hồn nhiên sang đường ở chỗ không có vạch sọc. Với tốc độ 80-100Km/h thì đừng hy vọng xe nào phanh kịp.


Chiếc xe đạp dựng bên đường với tấm biển "đạp xe cho cuộc sống"

Đức đang hướng tới một quốc gia có nguồn năng lượng sạch. Trên máy bay từ Pháp qua, nhìn xuống những “cánh đồng” điện gió thì đủ biết quyết tâm giữ sạch môi trường của họ thế nào. Cũng chính vì thế mà xe đạp ở Berlin khá phổ biến. Ở đây trên vỉa hè có một lối giành riêng cho xe đạp, rộng chừng mét rưỡi. Chúng tôi mới sang cứ nghĩ vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ nên rất đi lại nghênh ngang, vướng người đạp xe.

Xe đạp được dựng rải rác trên phố nhưng đều phải khóa, thậm chí khóa luồn qua cả hai bánh. Một người Việt định cư tại Đức khẳng định tệ nạn ở Đức xuất hiện cùng với làn sóng nhập cư. Đến Berlin hôm nay có thể thấy đủ các màu da.

Tôi mới tới Đức lần đầu nên không biết hết, nhưng chuyện này thì có thật. Một hôm đi trên vỉa hè, tôi gặp hai vợ chồng trung tuổi đang dắt chó đi dạo. Đoạn dây xích hơi dài nên con chó kéo căng ngang phân nửa vỉa hè khiến tôi phải né tránh. Có vậy thôi mà người chồng ra sức xin lỗi vì đã làm phiền, cho dù tôi đã mấy lần xua tay, nói không sao, ông đừng bận tâm. 

Ở Berlin có cả xích lô nhưng được thiết kế khá tân kỳ, chắc chỉ phục vụ du khách. Ngồi trên những chiếc xích lô như thế chắc giá chẳng kém gì đi taxi.

Lại nói tới taxi, hình như ở Berlin chỉ có một hãng? Xe sơn màu vàng, toàn Mercedes, chạy dầu thì phải. Nếu như bạn bị lạc mà vẫy taxi giữa đường thì hơi khó đấy! Chẳng hiểu họ chạy nhanh nên ngại đỗ lại hay ở đây không có thói quen dừng đón khách trên đường. Hôm đi chợ đồ cũ ở đường 17 Juni, chúng tôi có 4 người, lên taxi nhưng bác tài quyết không chở vì dư 1 người.

Xe xích lô ở Đức.

Một tuần ở Đức, tôi chưa nghe tiếng còi xe lần nào. Bóp còi ở đây là hành vi văn hóa. Nếu bạn dùng còi và nhấn còi xe không đúng quy định thì mọi người sẽ nhìn bạn như một tên vô lại, thậm chí có thể lôi bạn ra tòa.

Anh Lê Quang phiên dịch, sống ở Đức kể, trước anh có dịch cho một vụ kiện. Bị đơn là người Việt, nguyên đơn là người Đức. Chỉ vì ông người Đức chưa kịp đi khi đèn chuyển xanh nên ông người Việt phía sau nhấn còi hối thúc. Chắc tiếng còi cũng hơi hỗn nên ông người Đức mới mở cửa xuống xe gọi cảnh sát, rồi ra tòa. Cuối cùng lái xe người Việt bị phạt tiền vì tội làm người khác hoảng sợ. Luật nghiêm như vậy nên đường xá hầu như không có bóng cảnh sát giao thông nhưng rất trật tự.

Ga tàu điện ngầm bên này cũng chỗ sạch chỗ bẩn, cũng có những người đứng chơi nhạc xin tiền nhưng nhìn chung thuận tiện và an toàn. Có những nhà ga rất lớn, nếu không biết tiếng và chưa quen thì chớ dại, đi lạc hoặc lên nhầm tàu là cái chắc.

Cũng như tàu điện ngầm, xe buýt công cộng là phương tiện phổ biến. Trên mỗi điểm dừng đỗ đều có bảng điện tử thông báo thời gian xe tới, tính đến từng giây.



Trên xe buýt có chỗ dành cho người già, xe đẩy em bé, xe lăn của người tàn tật. Khi xe buýt đến điểm đỗ, bác tài điều chỉnh sàn xe bằng và sát với vỉa hè để người già, trẻ em; người đi xe lăn, xe đẩy em bé có thể lên được dễ dàng.

Giống như nhiều nơi khác, xe buýt hay tàu điện ngầm ở Berlin không có người soát vé. Mọi người đều tự giác mua vé. Nếu đi xe buýt bằng vé ngày, hãy chuẩn bị vài đồng xu. Khi bước lên xe nhớ bỏ xu vào máy bán vé tự động, bạn sẽ có vé sau 1 giây.

Để tiết kiệm, chúng tôi mua vé tuần (28 Euro), đi được 1 tuần kể từ khi đóng dấu, dùng cho tất cả các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm ở Berlin. Anh Lê Quang nhắc khi lên xe (lần đầu) nhớ nhét vé vào máy để đóng dấu. Anh Bá Dung (Hội Nhà báo VN) quên. Hôm đó đang đi tàu điện ngầm thì có 2 nhân viên mặc đồng phục tới kiểm tra vé, lại vào nhằm trúng anh Bá Dung. Anh luống cuống lôi vé ra thì vé chưa đóng dấu. Cũng may, Ste-phan (Viện KAS – Berlin) đi cùng nhao ra, trình bày hết nước hết cái 2 nhân viên công lực mới tha, nếu không cứ xác định nộp 60 Euro tiền phạt (khoảng 1,7 triệu đồng).

Biểu tình, đình công ở Đức như cơm bữa. Tại một ga tàu điện ngầm chúng tôi thấy một tấm biển thông báo rất to, đại khái là từ lúc mấy giờ đến mấy giờ ngày mai, nhân viên nhà tàu sẽ đình công, mọi người lưu ý việc đi lại. Cả đoàn lo vì không biết đi đứng kiểu gì. Thế nhưng hôm sau chúng tôi vẫn di chuyển bằng tàu điện bình thường. Anh Quang cho biết chỉ một công đoàn nào đó đình công thôi, những nơi khác vẫn làm việc.

Nói chung chúng tôi lo chuyện không đâu, ở đất nước mà công đoàn đình công biết thông báo trước, biết nhắc nhở mọi người sử dụng phương tiện khác kẻo muộn làm thì không việc gì phải lo cả.

Tôi mới sang Đức lần đầu, lại đi ngắn ngày, nên điều đã kể trên đây chỉ là những gì tôi chứng kiến và cảm nhận được, chắc chưa đầy đủ./.

Hòn đảo Rugen xinh đẹp nước Đức


Nếu đến Đức, bạn đừng bỏ qua hòn đảo Rugen xinh đẹp với rừng sồi phủ kín những vách đá vôi trắng phau thẳng đứng cạnh biển. Nhiều người gọi đó là "Hòn đảo huyền thoại".

Hòn đảo Rugen xinh đẹp nước Đức

Trên hòn đảo lớn nhất nước Đức này, có nhiều thị trấn, làng mạc cổ xưa, những khu rừng được UNESCO phong di sản thiên nhiên thế giới. Đi đâu trên đảo cũng gặp những khu nghỉ mát đẹp mê hồn.

Hoa Giọt Tuyết- Snowdrop được thấy ở đây, lọai hoa màu trắng sữa dịu dàng được truyền thuyết cho là đã được sinh ra trong vườn Địa Đàng. Một thiên thần đã an ủi Eva và sự cằn cỗi của thiên đàng vào mùa đông, khi bắt được 1 bông tuyết đang rơi, người đã thổi nhẹ vào nó và bảo nó hãy hóa thành một bông hoa tươi tốt mãi mãi.

Snowdrop flower

Đến đây, bạn có thể thử chạm tay xuống Biển Baltic băng giá mùa đông, núi Königsstuhl và hồ Hertha nên thơ, lang thang trong cánh rừng sồi đỏ ngắm màu sắc sặc sỡ của hoa và côn trùng...


Người ta nói đây là hòn đảo huyền thoại vì rất nhiều người dân ở đây vẫn tin vào huyền thoại. Chẳng hạn nhiều bạn trẻ vẫn tin vào lời nguyền là ai leo lên được đỉnh Königsstuhl từ phía sườn núi vuông góc với biển sẽ trở thành vua của hòn đảo. Chả thế mà khi tiết trời bắt đầu ấm áp, đội lính cứu hỏa trên đảo lại phải thường xuyên cứu hộ những tay leo núi đang mắc kẹt trên vách núi đá vôi dựng đứng. Nói vậy thôi chứ chắc chắn họ là những thanh niên dũng cảm và ưu sự mạo hiểm.

Chiếc cầu cùng tên Rugen là chiếc cầu dài nhất nước Đức, là nối nhịp đưa bạn đến với hòn đảo Rugen. Đừng quên trải nghiệm cảm giác đứng trên cầu và cảm nhận vẻ đẹp cảnh vật xung quanh.

Cầu Rugen

Cách tuyệt vời nhất để khám phá Rugen có lẽ là lên tàu hỏa chạy bằng hơi nước được gọi là Racing Roland. Đó là loại tàu kiểu cổ, chạy chầm chậm qua những cánh đồng, làng mạc, thị trấn kiểu cổ có nhịp sống thong dong, chầm chậm.

Tàu hỏa hơi nước

Bạn có thể đến thăm thành phố cổ điển nhất Sassnitz với những ngôi biệt thự xinh đẹp mấy trăm tuổi hay những bãi biển đẹp nhất của thành phố Binz, lâu đài đi săn kiểu Trung cổ hay thị trấn Sellin cạnh bên ấn tượng, rồi đến những con đường đồng quê lãng mạn, làng chài đẹp như tranh vẽ cứ nối tiếp nhau.
Ngôi làng cổ ở Rugen

Nếu bạn là người yêu thích thiên nhiên, hãy tới khu Bảo tồn thiên nhiên Granitz và Hunting Lodge”Die Jagdsloss”. Nơi đây có một rừng sồi danh lam thắng cảnh với những con đường mòn để đi bộ đường dài và đường xe đạp.

Khu bảo tồn thiên nhiên Granitz

Và cuối cùng, đừng quên ghé thăm khu rừng cổ nơi đây

Khu rừng cổ ở Rugen

Những thành phố nổi bật và đáng du học nhất nước Đức

Theo bảng xếp hạng các thành phố sinh viên hàng đầu của QS năm 2016, có 2 thành phố của Đức lọt vào top đầu là Berlin và Munich, đường hoàng xếp cạnh những điểm đến cũng thu hút không kém là London, Paris, Tokyo và Hong Kong. Nuocduc.org sẽ giúp bạn lí giải sức hút này của các thành phố du học nổi bật nhất nước Đức.

Berlin


Là trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học quan trọng của châu Âu, thủ đô Berlin cũng là nơi đặt các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hát và viện bảo tàng nổi tiếng thế giới.

Mới đây, có đến ba trường Đại học ở Berlin đã được lọt vào danh sách xếp hạng các trường Đại học thế giới của QS năm 2015-2016. Trong đó, Freie University nắm hạng 119 trên thế giới và hạng 5 tại Đức, Humboldt University of Berlin hạng 126 trên thế giới và hạng 6 tại Đức và Technische Universität Berlin (hạng 178 thế giới và hạng 11 tại Đức).


Bất kể bạn theo đuổi lĩnh vực gì, Berlin cũng sẽ có ngôi trường phù hợp để thỏa mãn yêu cầu. Thành phố có 4 trường đại học tổng hợp, 10 trường đại học ứng dụng, 3 trường nghệ thuật và hơn 80 cơ sở nghiên cứu do nhà nước đầu tư. Trong đó nổi bật nhất là trường đại học Freie Universitat Berlin với hơn 160 chương trình đào tạo.

Hơn nữa, tuy là một trong những thủ đô sầm uất của châu Âu, nhưng sinh hoạt phí ở Berlin lại thấp hơn New York hay London những 30%. Đây cũng là lí do khiến Berlin được xếp vào danh sách những điểm đến du học “phải chăng” về vấn đề chi phí cho sinh viên quốc tế. Giá thuê phòng ở Berlin thường chỉ dao động ở mức 170 – 350 Euro/tháng và đây là một mức phí thực sự rất rẻ so với các quốc gia châu Âu khác.

Munich (München)


Việc lựa chọn điểm đến du học ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của chi phí. Trung bình, hàng tháng mỗi du học sinh sẽ tốn khoảng 670 Euro cho sinh hoạt phí và con số này phụ thuộc khá nhiều vào thành phố mà bạn đang sinh sống và học tập. Ở những thành phố lớn như München chắc chắn bạn sẽ phải trả chi phí cao hơn so với các thành phố nhỏ hơn là Leipzig.

Năm 2015, Munich thậm chí còn vượt mặt Berlin ở bảng xếp hạng các thành phố tốt nhất cho sinh viên của QS (hạng 14). Nơi đây nổi tiếng với lễ hội bia Oktoberfest và sở hữu 2 trường đại học hàng top là Technische Universität München (hạng 60 trên các trường đại học hàng đầu thế giới và đứng đầu tại Đức) và Ludwig Maximilian University of Munich (hạng 75 trên các trường đại học hàng đầu ở Đức và đứng thứ ba tại Đức).

Đối với những du học sinh tìm kiếm cơ hội làm thêm, thực tập cọ sát với thực tế thì đây cũng chính là nơi lý tưởng với việc tập trung các công ty hàng đầu thế giới như Siemens, BMW, MAN AG, Linde, Allianz, hãng bảo hiểm Munich Re, Rohde & Schwarz và một số tập đoàn khác.

Những bạn học công nghệ thực phẩm hay cụ thể hơn là công nghiệp nước giải khát hoặc ủ bia có thể tìm tới các nhà máy bia nổi tiếng thế giới như Augustiner, Paulaner, Hacker-Pschorr, Hofbräu, Lowenbrau và Franziskaner… hoặc đơn giản là đắm mình trong không khí lễ hội của Oktoberfest vào tháng 10 hàng năm tại Theresienwiese - gần khuôn viên trường Đại học European Munich cùng với sự tham gia của hơn sáu triệu người từ khắp nơi trên thế giới.


Là tín đồ thể thao, bạn sẽ có nhiều cơ hội cổ vũ cho một trong những câu lạc bộ bóng đá lớn nhất trên thế giới - Bayern Munich với 5 lần dành cúp Champions League.

Mainz


Không kém phần truyền thống với nhiều lễ hội đặc sắc là thành phố Mainz, nơi bạn có thể tìm thấy rất nhiều di tích của đế chế la mã trong lòng khu trung tâm. Sự kiện người con của thành phố, Johannes Gutenberg, phát minh ra kỹ thuật in ấn bằng chữ cái đã đánh dấu sự kết thúc của thời kì trung cổ và là bước ngoặt quan trọng của lịch sử truyền thông hiện đại. Ngoài ra thì nơi đây còn là quê hương của kênh truyền hình ZDF với linh vật Mainzelmannchen huyền thoại. Do đó, sinh viên du học tại đây có thể tìm đến các công việc làm thêm điển hình như trực điện thoại, dọn dẹp hay làm bồi bàn hoặc “chạy việc” cho hàng loạt các công việc trong Studio, tại xưởng sản xuất phim và các chương trình truyền hình.

Có 35100 sinh viên đang theo học tại trường Đại học tổng hợp Johannes Gutenberg, ngôi trường nằm trong số 10 trường đại học lớn nhất ở Đức.

Bên cạnh đó, trường Đại học tổng hợp Mainz cung cấp chương trình đào tạo quy mô lớn, ngoài ra còn có thêm 2 trường đại học ứng dụng với 5.000 sinh viên theo học điển hình trong các lĩnh vực trọng tâm như Điều dưỡng và công tác xã hội, kĩ thuật, thiết kế tạo hình và kinh tế.


Ngoài việc học, họ có rất nhiều lựa chọn mua sắm, vui chơi ở các quán bar, cafe, câu lạc bộ, đến thăm bảo tàng hay tham gia các dự án mang tính sáng tạo.

Quận Neustadt hiện là nơi sinh sống được ưa chuộng nhất trong giới sinh viên. ¼ trong tổng số sinh viên đều sống tại khu này, trong khi đó ở các khu khác của thành phố, con số chỉ chiếm 5%.

Một trong những khoảnh khắc đẹp thời du học Mainz mà bạn không nên bỏ lỡ? Dạo chơi ở khu vực bờ sông Rhein và lang thang các khu phố cổ, nhà thờ lớn hay các buổi chợ phiên hàng tuần để cảm nhận nhịp sống thân thiện và không khí trong lành của một thành phố cổ.

Đức: Máy bay đâm tàu lượn, hai cha con thiệt mạng


Ngày 10/9, một sự cố đã xảy ra tại Lễ hội hàng không ở Großrückerswalde, bang Sachsen, Đức, khi hai máy bay nhỏ đâm vào nhau trên không trung, làm hai người thiệt mạng.


Theo các nguồn tin, một máy bay siêu nhẹ đã đâm phải một tàu lượn nhỏ trên không trung, khiến chiếc máy bay siêu nhẹ quay tròn, lao xuống bìa rừng cạnh khu vực lễ hội và bốc cháy.

Hai nạn nhân trên máy bay gồm người cha 54 tuổi và con gái 26 tuổi đã thiệt mạng, trong khi chiếc tàu lượn đã tìm cách hạ cánh khẩn cấp an toàn và hai người bên trong không hề hấn gì.

Lễ hội hàng không đã bị hủy bỏ ngay sau tai nạn nghiêm trọng này. Hiện các nhà điều tra và giám sát hàng không địa phương đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Đây là sự cố hàng không thứ hai xảy ra chỉ trong vài giờ qua ở khu vực nêu trên. Tối 9/9, một máy bay siêu nhẹ cũng đã bốc cháy ở Hartenstein (cũng thuộc bang Sachsen) sau khi người phi công hạ cánh an toàn máy bay này.

9/10/16

Tự học tiếng Đức từ A2 lên B2 trong 2.5 tháng

Nay mình nhận được kết quả B2. Thực sự là vượt quá mong đợi của mình (mình được 81.5) nên muốn chia sẻ 1 chút kinh nghiệm cho bạn nào cần



Chia sẻ của bạn Hằng Vũ – SV FTU K54

Trình mình thì cũng còi thôi và mình biết còn rất nhiều bạn giỏi hơn mình. Nhưng hi vọng bài chia sẻ này có thể giúp đc phần nào các bạn đang có ý định tự học B2

Mình dự định thi B2 từ khoảng đầu tháng 6 và thi B2 vào giữa tháng 8. Tính ra mình học được khoảng 2.5 tháng. Lúc đấy muốn thi hamburg quá nên đánh liều đăng kí thi luôn. Thực ra lúc đó mình mới học xong lớp A2 ở đhhn, nhưng trong khóa học cô giáo mình cũng đã hướng dẫn gần hết ngữ pháp B1 rồi, nên về phần ngữ pháp mình cũng không vướng mắc nhiều quá. Nhưng lúc đó thì vốn từ của mình còn còi lắm nên thực sự lúc đọc sách B1 vẫn còn nhiều phần không hiểu :(( Lúc đấy chắc trình mình mấp mé B1 =))

Lúc đầu tháng 6 quyết định tự ôn B2 cũng cắn rứt lắm, tại không biết có nên đi học không. Nhưng lúc sau lười quá, không muốn lên hà nội nên quyết định ở nhà với ba má và tự cày =)). Bây giờ thi xong rồi thì thấy tự học là quyết định khá đúng đắn, tại mình có thể học những cái mình thích mà không bị gò bò. Vậy nên bạn nào đang băn khoăn có nên tự học không thì cứ triển mạnh thôi nhé 🙂

Giờ mình chia sẻ luôn cách mình tự học nhé 😀 luyên thuyên đủ rồi

1. Từ vựng

Từ vựng là cực kì quan trọng. Không có từ vựng thì thực sự rất khó để cải thiện các kĩ năng khác. Như mình nói trên kia thì đợt mình học A2 xong thì từ vựng mình cũng khá yếu, vậy nên mình khá tập trung cày khoản này. Hồi đầu mình có làm quyển em neu B2 vs quyển schwierige Wörter nhưng trình độ mình hơi suy dinh dưỡng nên lúc đầu làm bị sốc văn hóa luôn =)) Làm được mấy hôm là chán nên quẳng xó rồi. Bạn nào cày được mấy quyển này thì chắc cải thiện vốn từ nhiều lắm.
Để đỡ chán thì mình chủ yếu đọc báo trên dw. Vì vốn từ mình không nhiều nên mới đầu đọc không hiểu lắm. Nhưng mình cái cái extension “dict-cc” của chrome vào, đọc từ nào không hiểu thì đúp vào là có nghĩa luôn. Mình vừa đọc, gặp từ mới thì xem nghĩa xong tra lại bằng langenscheidt rồi viết vào vở, tự nghĩ ví dụ để quen cách dùng của từ nữa. Mình không học thuộc từ mới, tại thấy chán quá. Mình chủ yếu đọc nhiều, ghi nhiều rồi nhớ thôi. Giờ từ vựng khá hơn chút thì mình chuyển sang đọc truyện, đọc lại mấy quyển mình thích là chính. Nhưng tìm truyện tiếng đức hơi khó nên chủ yếu là mình đọc báo rồi tra từ thôi.

Cho bạn nào chưa biết cách cài extension thì các bạn vào trình duyệt chrome bằng máy tính nhé. Google cụm “dict-cc chrome extension” rồi cài đặt vào là được. Nó sẽ hiện biểu tượng chữ d ở góc phải màn hình nhé. Lúc nào thích thì tắt biểu tượng là được.

2.Kỹ năng nghe

Mình chủ yếu xem phim để luyện nghe, cái chính là tại mình lười quá. Làm sách vừa làm lại phải nghĩ nên toàn xem phim =)) Thời gian đầu nghe cũng chột nhiều lắm, nhưng nghe mãi thì cũng khá hơn, giờ xem phim cũng bắt được kha khá, không phải xem phụ đề nữa. Mình hay xem ở 2 trang này http://hdfilme.tv/movie-movieshttps://bs.to/andere-serien (trang này chuyên series).
Còn đến gần lúc thi thì mình mới cày theo mẫu đề B2. Dù sao thì mình nghĩ học tiếng đức không phải để thi mà để sử dụng, nên không thích bị gò bó ôn theo cấu trúc đề. Xem phim để thời gian đầu đỡ chán thì mình xem những phim mình thích và xem nhiều rồi, để có thể hiểu được 1 chút. Dần dần quen rồi thì cứ lượm phim mới mà xem cho đỡ chán :>

3.Kỹ năng đọc

Về đọc thì thực sự mình không gặp khó khăn mấy. Chủ yếu cái này các bạn cần vốn từ và khả năng đọc lấy keyword. Ngày xưa cày ielts nhiều nên phần đọc của tiếng đức cũng không khác mấy. Cho bạn nào chưa quen kĩ năng này thì mình cảm thấy đọc lấy keyword là khá tốt, nhất là lúc các bạn đi thi, nó sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian

Cách làm bài :

Lúc nhận bài đọc thì các bạn đọc lướt qua 1 lần để xem nội dung tổng quát của nó là về cái gì. Sau đó đọc câu hỏi (đừng đọc hết bài text luôn nhé), gạch chân keyword để xem câu hỏi hỏi gì. Rồi sau đó mới quay lại bài để tìm đoạn liên quan đến câu hỏi.
Kỹ năng này chắc rất nhiều bạn biết rồi nên mình không nói cụ thể nữa. Bên cạnh đấy để luyện đọc hiểu các bạn có thể đọc báo/truyện cho đỡ chán, lại vẫn cải thiện được kĩ năng. Gần lúc thi thì cày theo form đề để căn thời gian cho chuẩn

4.Kỹ năng nói
Kỹ năng này thì mình không phải tự học 100%. Hồi mình mới bắt đầu tự học B2 thì cảm thấy khả năng nói của mình hơi tù, tại tự luyện 1 mình mãi cũng chán nhưng khá là may là mình biết được em Dao Minh Huong nên mình học nói qua skype với em ý. Thực sự thì từ hồi học em ấy kỹ năng nói của mình cải thiện được rất nhiều. Mình và em ý vừa luyện theo form đề B2 vừa chém gió lung tung nên học không chán tí nào

Còn lại thì thỉnh thoảng mình tự kỉ ngồi trước gương nói 1 mình thôi ;_: Thực sự thì tự kỉ vô cùng nhưng mà cũng chỉ có cách đấy để cái thiện kĩ năng nói thôi nên mình cắn răng ngồi lẩm bẩm vậy
Ngoài ra thì lúc gần thi mình học thêm 1 số redemittel nữa. Mình học cái đơn giản thôi (như kiểu giới thiệu thema vs bày tỏ quan điểm). Nhưng đi thi run quá nên quên gần hết =)) chả nhớ mà dùng nên auto chém theo ý mình thôi

5.Kỹ năng viết

Kỹ năng này thì mình chủ yếu luyện theo mẫu đề B2. Mình làm lấy đề trong quyển station rồi tập viết, tham khảo bài mẫu của nó nữa. Viết xong thì mình gửi em hương sửa và rút kinh nghiệm. Lúc viết ở nhà thì mình xài redemittel tung tóe, toàn cái nghe chuyên nghiệp. Đến lúc đi thi đọc xong đề phát quên sạch =)) nên rút kinh nghiệm là các bạn chỉ chọn 1 số redemittel phù hợp thôi và học thật thuộc đi. Đến lúc viết sẽ mượt hơn rất nhiều. Mình lười nên viết khá ít, chắc được tầm 5 6 bài thôi nên hôm đấy mình đọc đề xong thì cũng chả nhớ đc nên tự chém thôi, nhưng cũng may là cuối cùng viết của mình đc 20/25:D

Thêm 1 cái nữa là schreiben của B2 chỉ có 1 bài viết thư và 1 bài sửa lỗi. Bài sửa lỗi không khó lắm nên các bạn nên làm cẩn thận, chủ yếu cần chắc ngữ pháp là được

6.Tài liệu tham khảo

Về ngữ pháp các bạn có thể tham khảo quyển B Grammatik, đề để ôn thi B2 thì có Station B2, Pruefungtraining. Còn lại thì mình không dùng giáo trình nào cả, chủ yếu là đọc báo vs xem phim thôi

Mình học không thể gọi là quá tập trung (intensiv). Mình học khá là ngẫu hứng, lúc thích thì mình cày rất nhiều, lúc lười thì xem phim thôi. Bạn nào chăm chỉ học chắc còn lên nhanh hơn

Thực sự thì tự học rất hay vì mình không bị gò bó, bạn nào còn đang băn khoăn thì cứ triển thôi. Thêm nữa là lúc ôn thi các bạn phải nghĩ là mình làm được, mình sẽ đỗ B2. Còn chưa làm mà đã sợ sẽ tạch thì không bao giờ làm được.

Đây là tất cả kinh nghiệm tự học của mình. Nhưng để đạt được hiệu quả thì mọi người phải thích học tiếng Đức, tất nhiên không phải kiểu học ngày đêm điên cuồng nhưng ít ra không phải học chỉ để thi. Minh thấy học chỉ để thi thì đến sau này sẽ rất khó sử dụng được. Mình nghĩ các bạn cứ cải thiện dần vốn tiếng đức, gần đến lúc thi thì cày theo form đề B2, kết quả sẽ như các bạn mong đợi thôi 😀 Dài quá rồi mà mình cũng cạn vốn nên mình dừng đây.

Chúc các bạn tự học và ôn thi hiệu quả nhé :>

Tác giả bài viết: Hằng Vũ – SV FTU K54

Du học Đức, đâu chỉ toàn màu hồng!

Đức được coi là cái nôi của nền văn minh Châu Âu, đến Đức, bạn được khám phá nhiều điều kì thú và làm quen với nhiều bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng sự thật sẽ rất khắc nghiệt nếu bạn là một du học sinh


Nhà thuê với giá 20 triệu/tháng!

Nếu bạn nghĩ chi phí cho việc du học Đức sẽ không quá tốn kém thì bạn nhầm to rồi. Trên thực tế, số tiền tối thiểu dành cho ăn tiêu đã là 400 euro/tháng (nếu bạn tiết kiệm hết mức có thể).

Nếu muốn sống thoải mái hơn một chút sẽ cần khoảng 700 euro/tháng. Đấy là còn chưa kể việc giá cả đang tăng do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Rồi còn tiền nhà, tiền học, bao nhiêu thứ tiền mà bạn sẽ phải tự mình tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.

Vậy ai bảo du học ở Đức là rẻ? Chỉ rẻ hơn so với Anh và Mỹ một chút thôi.

Nói không với tiếng Anh

Nhiều bạn nghĩ chờ sang Đức học tiếng cũng không muộn, hoặc không thì có thể tham gia vào các khóa học bằng tiếng Anh. Thế nhưng, chi phí cho những khóa học này thường rất cao.

Đấy là còn chưa kể đến việc bạn còn phải làm quen với một phương cách làm việc khác hẳn với cách học thầy đọc - trò chép như ở Việt Nam. Rồi khối lượng bài tập về nhà khổng lồ, những dự án, bài luận phải tự viết bằng tiếng Đức cũng khiến không ít bạn bị lúng túng.

Làm việc 8 tiếng/ngày = tiền nhà

Nếu bạn nghĩ có thể đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống du học, bạn nên biết rằng tìm việc ở Đức không hề dễ. Sinh viên nước ngoài thường chỉ tìm được những công việc tay chân như dọn dẹp, rửa bát hay thậm chí là khuân vác. Lương thì chỉ 6 euro/h là tương đối cao, mà giờ làm lại bị hạn chế. Nếu tính làm việc cả 8 tiếng 1 ngày (1 tháng = ~800 eu) thì một sinh viên du học việt nam cũng không đủ trả tiền nhà.

Không những thế, bạn cần phải có một loạt giấy tờ theo quy định để được đi làm. Còn khi đi làm, áp lực công việc không phải là nhỏ, thời gian học tập của bạn sẽ không còn nhiều, vì vậy, dễ ảnh hưởng đến kết quả ở trường. 

Khó khăn + năng động = chính bạn

Cuộc sống của sinh viên tại Đức quả không “dễ thở” chút nào. Mọi việc lớn bé bạn đều phải tự lo. Đồng ý đi du học là để nâng cao kiến thức, nhưng ngoài việc phải có định hướng rõ ràng, trước hết bạn cần phải có ý thức tự tập cao, chuẩn bị tinh thần thật kĩ trước khi quyết định du học Đức.

Quả thực đi du học là cả một quá trình thử thách lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội tốt cho bạn rèn luyện ý chí và mở mang kiến thức, kinh nghiệm sống. Vì vậy, một khi bạn đã quyết tâm, đừng chần chừ theo đuổi giấc mơ bạn nhé!

9/9/16

Cậu bé Đức 9 tuổi dũng cảm cứu em trai ở bể bơi


Một cậu bé 9 tuổi người Đức được chính quyền ca ngợi là “anh hùng” khi cứu sống em trai 2 tuổi bị ngã xuống bể bơi.

Cậu bé 9 tuổi cứu được em trai nhờ thực hiện tốt các biện pháp sơ cứu. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: DW

Theo kênh DW (Đức), một người phát ngôn lực lượng cảnh sát ở Korbach, bang Hessen, cho biết bé trai 2 tuổi ngã xuống bể bơi khi bà nội vào phòng tắm lấy miếng tã mới để thay cho cậu. Lập tức cậu anh trai 9 tuổi lao xuống bể bơi đưa em lên bờ.

Lúc này, bé 2 tuổi đã bất động, ngừng thở. Cậu anh gọi điện cho lực lượng cứu hộ khẩn cấp và sơ cứu em trai theo hướng dẫn của một nhân viên y tế qua điện thoại. Khi đội cứu hộ đến nhà thì cậu anh đã giúp cậu em thở trở lại.

Bé trai 2 tuổi được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng. Các bác sĩ cho biết cậu phải ở trong viện điều trị khoảng hai tuần trước khi được về nhà.

Các nhân viên y tế ca ngợi cậu anh trai 9 tuổi là đã thực hiện các biện pháp sơ cứu như hô hấp nhân tạo và trợ tim rất hiệu quả dù ban đầu cậu vô cùng sợ hãi.

Giới truyền thông địa phương ca ngợi cậu bé là một “anh hùng”.

10 mẫu từ lóng tiếng Đức mà bạn không bao giờ được dạy trong lớp học (P2)

Cùng mình tiếp tục trải nghiệm 10 mẫu từ lóng tiếng Đức mà bạn không bao giờ được dạy trong lớp học (P2) nhé! Chắc chắn rất thú vị cho những ai học tiếng Đức 

6. “Quatsch”

"Das ist totaler Quatsch", bạn có thể nghĩ điều đó khi ai đó không biết xấu hổ tuyên bố rằng họ là là chuyên gia trong một vấn đề nào đó khi rõ ràng họ không biết gì về nó.


Nếu bạn nói rằng cái gì đó là "Quatsch", điều đó có nghĩa là nó hoàn toàn vô nghĩa hoặc sai ngữ pháp

7. “Bock auf etwas haben”

Nếu bạn biết cái biểu hiện "Lust haben" ("muốn làm một cái gì đó" hay "phải làm một cái gì đó"), thì cụm từ lóng tiếng Đức "Bock haben" có nghĩa tương tự như vậy.


Không thực sự thích các chuyến đi trong ngày mà bạn bè người Đức của bạn tổ chức? "Ich habe keinen Bock darauf" sẽ truyền đạt sự thiếu nhiệt tình của bạn.

Nhưng bạn đang vô cùng hào hứng với một cuộc đi chơi đêm? "Ja, ich hab 'Bock drauf" sẽ thể hiện rằng bạn đang rất quan tâm 

8. “Auf jeden Fall”

"Bock haben" và "auf jeden Fall" thể hiện mức độ của sự nhiệt tình.

Thay vì nói "natürlich" ("tất nhiên")_một từ mà có lẽ đã gõ gõ vào đầu bạn khi học ở trường, thì hãy cố gắng nói từ này nhiều hơn: "auf jeden Fall" ("nhất định" hoặc "chắc chắn").


Và nếu bạn muốn thực sự yêu thích trẻ con, bạn có thể rút ngắn câu nói cảm xúc của mình bằng một từ đơn giản 'auf jeden'.

9. “Jein”

Một cách khác để thể hiện sự không chắc chắn, "jein" là một cách kết hợp của "ja" và "nein".


Vì vậy nếu bạn muốn thể hiện rằng bạn đang khá nghi ngờ về cái gì đó, hoặc bạn chỉ không muốn chắc chắc đứng về một phía thì "jein" là một từ bạn có thể sử dụng trong trường hợp này.

10. “Mach’s gut!” 

Hãy quên quyển sách giáo khao chỉ dạy nói Tạm biệt là cái từ thông dụng “Tschüß” hoặc trang trọng hơn “Auf Wiedersehen”, và thay vì đó hãy nói “Mach’s gut!” khi muốn nói tạm biệt với bạn bè của bạn.


Dịch theo nghĩa đen, cụm từ ấy có nghĩ như “Make it good!” hay “Have a good one!” như trong tiếng Anh.
Tin tức Đức
DU LỊCH ĐỨC
SỐNG TẠI ĐỨC
NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC
×